Quyết định của bác sĩ cứu chàng trai 'vô danh, ví rỗng'
Nam thanh niên được người đi đường đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, dập não. Các bác sĩ đã nhanh chóng can thiệp cho bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân, không có tiền còn điện thoại dập nát.
Mới đây, PGS.TS Đỗ Đức Thuần, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) đã chia sẻ về ca cấp cứu một nam thanh niên không rõ danh tính vào cuối tháng 4.
Theo Phó giáo sư Thuần, hôm đó, bệnh nhân được người qua đường đưa vào Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 trong tình trạng nguy kịch: hôn mê sâu, nồng nặc mùi rượu, không giấy tờ tùy thân, ví rỗng, điện thoại vỡ nát. Người này bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não kèm đột quỵ. Tình trạng của nam thanh niên "ngàn cân treo sợi tóc", đòi hỏi phẫu thuật khẩn cấp để giành giật sự sống.
Bệnh nhân được kiểm tra sinh tồn, đặt đường truyền, thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên, người bệnh không rõ danh tính, hồ sơ nhập viện chỉ ghi "vô danh", không có người nhà ký cam kết phẫu thuật - tình huống dễ khiến bác sĩ chùn bước vì rủi ro pháp lý.
Trong lúc ê-kíp còn băn khoăn, Phó giáo sư Thuần quyết định: “Một giây lúc này quý hơn vàng”. Ông lập tức chỉ đạo đưa bệnh nhân vào phòng mổ, đồng thời báo cáo lãnh đạo bệnh viện và phối hợp Ban Công tác xã hội tìm thân nhân.
“Nếu không can thiệp, bệnh nhân sẽ ra đi trong cô độc. Đó là điều bất hạnh và ám ảnh”, vị bác sĩ này chia sẻ.

Một ca can thiệp tại Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: BVCC.
Hiện, người bệnh đã qua cơn nguy kịch, đang điều trị hồi phục. Nam thanh niên được ghi tên đầy đủ trong giấy tờ bệnh viện thay cho dòng chữ "vô danh" sau khi anh tỉnh táo và người nhà có mặt để chăm sóc.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định rõ: Không được từ chối hay chậm trễ cấp cứu, kể cả khi thiếu ý kiến người đại diện. Cơ sở y tế phải ưu tiên nguồn lực cho cấp cứu, chỉ thu viện phí sau khi bệnh nhân ổn định, bất kể danh tính, có bảo hiểm hay không.
Hơn 20 năm trong nghề, Phó giáo sư Thuần nhấn mạnh y đức không chỉ nằm ở kỹ thuật mà còn ở quyết tâm không bỏ rơi bất kỳ ai. Với trường hợp vô danh, bác sĩ cần tuân thủ quy trình, báo cáo lãnh đạo và lưu giữ bằng chứng như ghi âm liên lạc với gia đình để đảm bảo cơ sở pháp lý.
“Với tôi, mỗi ca cấp cứu là một sinh mệnh. Tôi tin không bác sĩ nào bỏ rơi bệnh nhân chỉ vì họ không danh tính”, Phó giáo sư Thuần khẳng định.