Lỗ hổng trong hệ thống ứng phó với chim vào thời điểm máy bay Jeju Air gặp nạn

Sự cố va chạm với chim được cho là một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay thảm khốc của hãng hàng không Jeju Air hôm 29/12. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về hiệu quả của hoạt động kiểm soát chim tại Sân bay Quốc tế Muan (Hàn Quốc).

Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Muan, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc, ngày 29/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, chỉ có một nhân viên thuộc Đội cảnh báo chim (BAT), thường được gọi là đội “Batman”, đang thực hiện nhiệm vụ. Điều này khiến dư luận hoài nghi về việc liệu trình độ nhân sự và các quy trình hoạt động của những nhân viên này có đủ chuẩn mực và hiệu quả hay không.

Các đội BAT thường sử dụng súng cầm tay và các biện pháp đe dọa khác để xua đuổi chim ra khỏi khu vực sân bay, đồng thời liên lạc trực tiếp với tháp kiểm soát khi phát hiện đàn chim.

Theo thông tin từ nhật báo Hankook Ilbo, chỉ có một nhân viên BAT làm việc vào thời điểm tai nạn xảy ra, trong khoảng thời gian từ 8 giờ 57 phút đến 8 giờ 59 phút sáng.

Điều này trái ngược với các tuyên bố trước đó của Trụ sở Đối phó Thảm họa và An toàn Trung ương của Chính phủ Hàn Quốc. Cơ quan này cho biết có 2 nhân viên của BAT làm nhiệm vụ vào ngày hôm đó.

Sự khác biệt có thể bắt nguồn từ cơ cấu nhân sự của sân bay. Đội BAT của Sân bay Quốc tế Muan hoạt động với một nhóm gồm 4 thành viên, được chia thành hai ca: hai người làm việc vào ban ngày (9 giờ sáng đến 6 giờ chiều) và một người vào ban đêm (6 giờ tối đến 9 giờ sáng).

Vì sự cố xảy ra vào khoảng thời gian chuyển ca, nhân viên duy nhất đang làm việc có thể đã bị chậm trễ trong việc phản ứng với tình hình do các thủ tục thay ca. Một viên chức sân bay đã xác nhận rằng chỉ có một thành viên BAT có mặt khi vụ tai nạn xảy ra.

Video lực lượng cứu hộ tìm kiếm tại hiện trường máy bay Jeju Air bị rơi ở Hàn Quốc (Nguồn: Reuters):

Ngoài ra, đội cảnh báo chim của Sân bay Quốc tế Muan có quy mô nhỏ hơn so với các sân bay có quy mô tương tự. Chẳng hạn, sân bay Cheongju và Daegu, hai sân bay lớn ở miền Trung và Đông Nam Hàn Quốc, mỗi sân bay có tám thành viên BAT, gấp đôi số lượng tại Muan.

Trong số 14 sân bay do Tổng công ty Sân bay Hàn Quốc quản lý (ngoại trừ Sân bay Quốc tế Incheon), chỉ có bốn sân bay thiếu nhân viên BAT so với Muan, trong đó có Yangyang, sân bay duy nhất không có tuyến quốc tế.

Dù số vụ va chạm giữa máy bay và chim trên toàn quốc đã tăng từ 91 vụ vào năm 2019 lên 130 vụ vào năm 2023, Sân bay Quốc tế Muan vẫn không nằm trong danh sách các sân bay được bổ sung nhân viên BAT. Tổng công ty Sân bay Hàn Quốc dự kiến sẽ triển khai thêm 43 nhân viên BAT tại bảy sân bay vào giữa năm 2024, nhưng Muan không nằm trong kế hoạch này, vì tần suất va chạm chim ở đây khá thấp – chỉ khoảng 10 vụ từ năm 2019 đến tháng 8/2024.

Tuy nhiên, Muan lại có tỷ lệ chuyến bay va chạm chim cao nhất cả nước, với 0,09% trong số 11.004 chuyến bay trong giai đoạn này gặp sự cố.

Vụ tai nạn gần đây một lần nữa khẳng định rằng va chạm với chim có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Các sân bay trong nước phần lớn nằm gần môi trường sống của chim di cư, khiến việc kiểm soát loài vật này trở thành thách thức. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, ngoài việc tăng cường số lượng nhân viên BAT, cần đầu tư vào công nghệ tiên tiến như hệ thống radar để phát hiện và đối phó chủ động với hoạt động của chim.

Một nhà nghiên cứu tham gia vào các dự án hàng không quốc gia cho biết: “Vụ tai nạn này nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc tăng cường đội ngũ kiểm soát chim. Chúng ta cũng nên xem xét áp dụng hệ thống radar để phát hiện chim một cách chủ động, giúp giảm thiểu nguy cơ các sự cố tương tự.”

Vào sáng ngày 29/12, chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air đã gặp nạn tại Sân bay Quốc tế Muan, khiến 179 trong số 181 người trên máy bay thiệt mạng. Phần lớn các nạn nhân là người Hàn Quốc, đang trên đường trở về nhà sau kỳ nghỉ Giáng sinh tại Thái Lan.

Đây là thảm họa hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc và cũng là vụ tai nạn hàng không gây chết chóc nhiều nhất trên thế giới kể từ vụ tai nạn của chuyến bay 610 của hãng Lion Air vào năm 2018, khi tất cả 189 người trên máy bay đều thiệt mạng.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lo-hong-trong-he-thong-ung-pho-voi-chim-vao-thoi-diem-may-bay-jeju-air-gap-nan-20241231153957328.htm