Lỗ hổng trong văn hóa mạng

Sự bùng nổ của các cuộc 'bóc phốt', công khai đời tư... khiến mạng xã hội (MXH) ngày càng trở thành một 'chiến trường' - khi ai cũng tự cho mình có quyền và có thể dễ dàng lên tiếng chỉ trích người khác. Điều này phản ánh một lỗ hổng văn hóa mạng nghiêm trọng.

Vừa mất thời gian, vừa mất tiền

Những ngày vừa qua, các drama (ồn ào) giữa một số cá nhân có tên tuổi trên mạng đã thu hút hàng triệu lượt xem cùng hàng ngàn tranh luận trên MXH. Không những thế, các cuộc ồn ào đời tư này còn mang theo yếu tố lợi ích khi người thì chuẩn bị sẵn cả ca khúc liên quan để công bố đúng lúc, nhằm thu hút khán giả; người thì bật tính năng thu phí cho những ai muốn vào nghe giải thích, bình luận… Không chỉ vụ việc trên, các ồn ào khác trên mạng từ trong nước đến nước ngoài như vụ của diễn viên Kim Soo Hyun và Kim Sae Ron… cũng gây bùng nổ MXH tại Việt Nam.

 Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong một chuyên đề sinh hoạt về giới trẻ

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong một chuyên đề sinh hoạt về giới trẻ

Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh thiếu nhi, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam, có 3 nguyên nhân chính khiến không ít người mê mẩn những câu chuyện thị phi, dù không liên quan đến cuộc sống của họ. Đầu tiên là hiệu ứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ), trong thời đại mà thông tin thay đổi từng phút, việc không cập nhật những câu chuyện mới nhất khiến nhiều người lo sợ bị tụt hậu về thông tin. Tiếp theo là cảm giác nhẹ nhõm khi theo dõi sự rắc rối của người khác với quan niệm ít ra mình vẫn còn may mắn hơn. Và điều quan trọng nhất, theo TS Hòa An, đó chính là cảm giác “quyền lực”.

“Đặt câu hỏi, tham gia bàn tán hay công kích ai đó trên MXH giúp một số người có cảm giác kiểm soát tình hình, có quyền phán xét người khác. Trong khi thực tế, họ cũng chỉ là những người bị cuốn, bị dẫn dắt vào cuộc chơi của người khác mà thôi”, TS Hòa An cho biết.

TS Hòa An cũng khuyến cáo, các vụ đấu tố trên mạng thường chỉ là góc nhìn phiến diện hoặc có sự dàn dựng nhằm hướng dư luận theo chiều hướng có lợi cho người tạo ra sự kiện. Người xem rất dễ bị thao túng, bị dẫn dắt vào một “cuộc chiến” không hồi kết, trong khi người mất tiền, mất thời gian lại chính là họ.

Bóp méo chuẩn mực, giá trị sống

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm (43 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ, hai con của chị đang học cấp 2 cũng bị cuốn vào các drama trên mạng. “Điều tôi lo ngại nhất là bọn trẻ theo dõi những câu chuyện kiểu như vậy nhiều sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Các câu chuyện yêu - ghét lộn xộn mà những người trẻ có chút tên tuổi đang đấu tố nhau trên MXH sẽ khiến nhiều người trẻ khác mất niềm tin về tình cảm chân thật, về cách hành xử, đối đãi văn minh với nhau. Thậm chí, không ít bạn trẻ dần coi những chuyện ngoại tình, phản bội… trở nên bình thường”, chị Ngọc Diễm nêu.

Trước tình hình này, không ít người trẻ đã lên tiếng kêu gọi người dùng MXH ngừng quan tâm, để không bị dẫn dắt một cách thiếu kiểm soát, vô bổ. Hồ Nguyễn Thành Nhân (28 tuổi, kỹ sư phần mềm, ngụ quận 7) bày tỏ: “Tôi có lập một nhóm chuyên thông tin về các phần mềm bảo mật, hiện có gần 5.000 thành viên. Thời gian qua, diễn đàn đã liên tục có thông tin cảnh báo các thành viên không tham gia bình luận hay tò mò những chuyện cá nhân, vô bổ rồi sa đà, tham gia tranh cãi vừa gây mất thời gian vừa vô tình cổ súy các nội dung không hay lan truyền chóng mặt trên MXH.

Sự bùng nổ của các cuộc “bóc phốt” cũng làm hiện lên mặt trái của MXH, đó là nơi thiếu đi văn hóa tranh luận và sự tôn trọng. Thay vì đối thoại văn minh, không ít người dần có xu hướng chọn cách công kích công khai, bôi nhọ để thể hiện quan điểm. Điều này dần biến môi trường MXH thành nơi chứa đầy sự tiêu cực, thậm chí thù địch.

Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, MXH không chỉ là nơi giao lưu mà còn là môi trường định hình giá trị sống của giới trẻ. “Khi những nội dung gây sốc, tiêu cực được tung hô và có hàng triệu lượt xem, nhiều người lầm tưởng rằng đây là “công thức thành công”. Thay vì nỗ lực phát triển bản thân, họ lại chạy theo sự nổi tiếng bằng cách tạo sự kiện gây tranh cãi, khích động dư luận. “Đừng để sự tò mò nhất thời biến bạn thành công cụ kiếm tiền cho những kẻ tạo drama. Giá trị của bạn không nằm ở việc biết mọi câu chuyện thị phi trên MXH, mà ở việc bạn có thể làm chủ cuộc sống, cảm xúc và tư duy của chính mình”, TS Hòa An nhận định.

Buổi livestream đối chất giữa tài khoản V. cùng 2 bạn gái cũ diễn ra tối cuối tháng 3 thu hút hơn 4,8 triệu lượt người xem, có thời điểm lên đến 1,6 triệu người xem cùng lúc. Điều đáng nói là tài khoản V. bật tính năng thu phí với ai muốn bình luận. Sau khi trừ phí 50% cho nền tảng, tài khoản V. thu về hơn 40 triệu đồng. Chưa kể, với số lượt xem khủng, tài khoản này tiếp tục nhận về khoảng 300.000 kim cương (tương đương 3.000 USD).

TIỂU TÂN - THIÊN BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lo-hong-trong-van-hoa-mang-post789108.html