Lo kinh tế Mỹ bất ổn, Fed phát tín hiệu cắt giảm lãi suất sớm

Lo ngại về những bất ổn của kinh tế Mỹ do chiến tranh thương mại và tăng trưởng toàn cầu suy yếu, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Jerome H. Powell, vừa phát tín hiệu: quyết định cắt giảm lãi suất có thể diễn ra sớm.

 Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome H. Powell, tại cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ hôm 10-7. Ảnh: New York Times

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome H. Powell, tại cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ hôm 10-7. Ảnh: New York Times

Hôm 10-7, phát biểu tại cuộc điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, ông Powell cho biết các rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ vẫn còn, bao gồm cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Donald Trump phát động và sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.

Ông Powell nói với các nghị sĩ rằng: “Dường như các bất ổn xung quanh các căng thẳng thương mại và các lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế toàn cầu đang đè nặng lên triển vọng kinh tế Mỹ”.

Một trong những rủi ro lớn nhất với nền kinh tế Mỹ là cuộc chiến tranh thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động nhằm vào Trung Quốc. Trong khi Washington và Bắc Kinh đã nhất trí nối lại đàm phán, ông Powell cho rằng điều này không bảo đảm chấm dứt cuộc chiến đang gây thiệt hại kinh tế khắp trên toàn cầu.

“Chúng tôi cho rằng bắt đầu thảo luận thương mại lại với Trung Quốc, dù là một bước đi mang tính xây dựng nhưng không loại bỏ được tình trạng không chắc chắn”, ông cho biết.

Kỳ vọng về một thị trường việc làm vững chắc và lạm phát tăng dần, các quan chức Fed đang quan sát các dữ liệu để xác định, liệu một động thái cắt giảm lãi suất có cần thiết để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ hay không.

Ông Powell nói: “Xung lực tăng trưởng kinh tế dường như chậm lại ở một số nền kinh tế nước ngoài lớn và sự suy yếu này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa, nhiều chính sách của chính phủ vẫn chưa được giải quyết bao gồm các diễn biến thương mại, nợ trần liên bang và Brexit (tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu). Và có nguy cơ mức lạm phát yếu sẽ kéo dài dai dẳng hơn so những gì chúng ta đang dự báo. Chúng ta cần thận trọng giám sát các diễn biến này và chúng ta sẽ thẩm định các hệ lụy của chúng đối với triển vọng nền kinh tế Mỹ”.

Theo James McCann, nhà kinh tế toàn cầu cấp cao ở công ty quản lý tài sản Aberdeen Standard Investments, các phát biểu này của ông Powell báo hiệu rằng quyết định cắt giảm lãi suất gần như chắc chắn được đưa ra tại cuộc họp vào cuối tháng này của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed.

Dù ông Powell không nói rõ rằng một quyết định cắt giảm lãi suất sắp xảy ra nhưng ông nhấn mạnh đến các lo ngại kinh tế ngày càng dâng cao và không có bất kỳ phát biểu nào nhằm hạ nhiệt các thị trường đang được định giá cao hơn dựa vào kịch bản Fed hạ lãi suất vào cuối tháng này.

Các quan chức Fed tránh cam kết cắt giảm lãi suất trước các cuộc họp chính thức nhưng thỉnh thoảng cung cấp tín hiệu rõ ràng về hướng đi của lãi suất nếu họ nghĩ rằng giới đầu tư đang đi quá xa rời thực tế.

Cách làm như vậy để tránh sự biến động mạnh không cần thiết trên thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, khi giới đầu tư quá kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất và mua mạnh cổ phiếu, đẩy các chỉ số chứng khoán tăng cao nhưng thực tế, Fed không có hoặc chưa chắc chắn về một kế hoạch như vậy, các quan chức Fed sẽ phát ra một số thông điệp nào đó để báo hiệu họ có thể không giảm lãi suất. Song lần này, ông Powell hoàn toàn không đưa ra các thông điệp như vậy.

Dù cú suy giảm tăng trưởng có thể là tin xấu đối với thị trường chứng khoán nhưng hiện tại nền kinh tế Mỹ vẫn còn mạnh, việc làm liên tiếp được tạo ra đồng thời lạm phát vẫn ổn định, vì vậy triển vọng cắt giảm lãi suất đang chắp cánh cho đà tăng điểm của thị trường chứng khoán.

Lãi suất đồng đô la suy giảm sẽ chắp cánh cho thị trường cổ phiếu theo hai cách. Thứ nhất, khi lãi suất giảm thì lợi tức của các khoản đầu tư trái phiếu cũng suy giảm, khiến kênh đầu tư cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư.

Thứ hai, lãi suất giảm đồng nghĩa với việc chi phí vay nợ của người tiêu dùng và các công ty sẽ rẻ hơn và điều này có thể giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế, cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Phản ứng trước các phát biểu trên của ông Powell, thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức tăng điểm mạnh vào lúc mở cửa với chỉ số S&P 500 lần đầu tiên vượt mốc 3.000 điểm. Tuy nhiên về cuối phiên, đà tăng điểm bị ghìm lại và chỉ số S&P 500 đóng cửa với mức 2.993 điểm, tăng 0,45%; chỉ số Dow Jones chốt phiên với mức 26.860,2 điểm, tăng 0,3%, trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,75%, lên 8.202 điểm, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Theo New York Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291367/lo-kinh-te-my-bat-on-fed-phat-tin-hieu-cat-giam-lai-suat-som.html