Lo lắng ngộ độc thực phẩm: Nhiều địa phương tăng cường kiểm soát bếp ăn trường học
Từ những vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các trường học tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm đang là nỗi lo của của nhiều gia đình có con đang ở độ tuổi đến trường khi những ngày qua xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Nỗi lo từ bếp ăn tập thể
Đã có hơn 600 học sinh và nhiều giáo viên bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa ngày 17/11 tại Trường iSchool Nha Trang (phường Xương Huân, TP Nha Trang), trong đó có một học sinh 6 tuổi đã tử vong.
Theo kết quả mà Viện Pasteur Nha Trang công bố, đã phát hiện vi khuẩn Samonella trong mẫu cánh gà chiên, vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên và mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cereus trong 2 mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu. Ngoài ra còn phát hiện vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên.
Từ kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo điều 317 Bộ luật Hình sự để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Chỉ sau khi vụ việc trên xảy ra vài ngày thì lại có thêm một vụ nghi ngộ độc thực phẩm ở trường học khác xảy ra. Khoảng 15h ngày 25/11, 16 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… sau khi được ăn bánh, dưa hấu và uống sữa. Các học sinh đã được Ban giám hiệu nhà trường đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cấp cứu, theo dõi và điều trị.
Ngộ độc thực phẩm đang là chủ đề nóng, trở thành nỗi lo của nhiều gia đình có con đang ở độ tuổi đến trường. Từ những vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian qua cho thấy bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện. Qua kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đánh giá, đa số các trường đều chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực.
Tuy nhiên, các trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ…
Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm
Trước nhiều vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học thời gian qua, nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn bán trú tại trường học, nhiều tỉnh thành đã chỉ đạo các trường học tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tại Hà Tĩnh, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh vừa có công văn về việc tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học.
Theo đó, để tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học trên địa bàn, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm…
TP Hà Nội là 1 trong 9 tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở. Sắp tới, Hà Nội dự kiến triển khai hoạt động diễn tập điều tra về ngộ độc và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Theo Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh, hiện tại, với hơn 5.000 cơ sở giáo dục, toàn thành phố có 1.834 bếp ăn tập thể và khoảng 487 trường sử dụng suất ăn công nghiệp.
Hiện Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể. Đồng thời chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh giám sát việc chế biến, giá thành bữa ăn trong nhà trường. Sắp tới, hai đơn vị sẽ phối hợp lập đoàn giám sát các trường học, nhất là khối tiểu học, mầm non về việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tại Nghệ An, đầu tháng 11, Sở Y tế Nghệ An cũng có báo cáo kết quả giám sát bếp ăn bán trú trường học tại các địa phương. Qua đó cho thấy, trong 44 bếp ăn bán trú trường học được giám sát thì có 22/44 cơ sở đạt (chiếm tỉ lệ 50%). 22 cơ sở còn lại đang tồn tại một số điều kiện chưa đảm bảo an toàn thực phẩm. Sở GDĐT Nghệ An mới đây cũng có văn bản về việc tăng cường đảm bảo an tòa thực phẩm trong trường học trên địa bàn.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có chỉ đạo Sở GDĐT lập các đoàn kiểm tra bếp ăn tập thể các trường mầm non, tiểu học có tổ chức bán trú, đặc biệt là trường tư thục và quốc tế. Đối với các trường hợp bếp ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm, Sở GDĐT xử lý, đình chỉ hoạt động.
Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GDĐT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các sở GDĐT, sở y tế…, các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, ăn toàn thực phẩm vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.