Lỗ liền 4 Quý, gần 100 tỷ lãi chưa phân phối của Đại Thiên Lộc (DTL) vừa bị 'thổi bay'
CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) liên tiếp thua lỗ trong 4 quý gần đây. Lãi lũy kế chưa phân phối chiếm gần 100 tỷ từ đầu năm đã bị 'thổi bay' gần hết.
CTCP Đại Thiên Lộc (Mã HoSE: DTL) được thành lập từ năm 2001 và đã chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP từ năm 2007. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là sản xuất thép lá cán nguội, thép lá mạ kẽm, mạ hợp kim nhôm, kẽm...
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, Đại Thiên Lộc liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh sa sút. Trong đó nguyên nhân chính chủ yếu là do giá vốn cao vượt doanh thu dẫn đến công ty phải ghi nhận lỗ gộp ngay từ hoạt động kinh doanh chính.
Liên tục thua lỗ 4 quý, trong đó 3 quý kinh doanh dưới giá vốn
Tình trạng thua lỗ của Đại Thiên Lộc bắt đầu từ Quý 3/2022. Trong quý này, DTL đạt doanh thu 210,1 tỷ đồng, giảm gần 1/3 so với quý 2 ngay trước đó nhưng lỗ gộp tới 9,6 tỷ đồng. Sau khi trả thêm các chi phí khác cùng thuế, lỗ sau thuế của DTL ghi nhận ở 48,8 tỷ đồng.
Trong liên tiếp 2 quý tiếp theo, mặc dù doanh thu được đẩy lên rất cao, đạt đỉnh ở 762,4 tỷ trong Quý 4/2022 nhưng cũng trong quý này, DTL lỗ sau thuế tới 105,7 tỷ đồng.
Tại Quý 1/2023, dù rằng tình trạng kinh doanh dưới giá vốn tạm chấm dứt, DTL đạt lãi gộp 6,5 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản lãi gộp này không đủ trả các chi phí khác khiến công ty vẫn phải ghi nhận lỗ sau thuế 39,1 tỷ đồng.
Bước sang Quý 2/2023, tình hình kinh doanh tiếp tục ảm đạm khi mà DTL quay lại tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, lỗ gộp tiếp tục được ghi nhận. Nếu tính cả Quý 2/2023 thì DTL đã bước sang Quý thua lỗ liên tiếp thứ 4.
Quý 2 thua lỗ 54,8 tỷ đồng, lãi lũy kế 100 tỷ bị "thổi bay" chỉ trong 6 tháng đầu năm
Theo Báo cáo kết quả kinh doanh Quý 2 gần nhất, Đại Thiên Lộc ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 461,3 tỷ đồng. Trong khi giá vốn hàng bán lên tới 478,4 tỷ đồng khiến cho công ty lỗ gộp 17,1 tỷ đồng.
Trong kỳ dù thua lỗ từ hoạt động kinh doanh, DTL vẫn phải trả thêm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt là 1,6 tỷ và 4,6 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản lãi vay cũng chiếm tới 27,4 tỷ đồng gây áp lực lớn đến doanh thu.
Trừ đi hết các chi phí trên và thuế, Đại Thiên Lộc ghi nhận lỗ sau thuế tại Quý 2 tới 54,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn đang lãi 10,4 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế trong 2 quý đầu năm nay của DTL đã lên tới 93,1 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh bết bát kéo dài tiếp tục được phản ánh trong biến động tài sản của Đại Thiên Lộc.
Tại cuối Quý 2/2023, tổng tài sản của DTL đạt 2.092 tỷ đồng, giảm tới gần 300 tỷ so với đầu năm. Lượng tiền mặt của công ty chỉ còn 4,6 tỷ đồng trong khi khoản tiền gửi ngắn hạn 26,7 tỷ đồng đầu kỳ đã "bốc hơi". Như vậy, lượng tiền mặt mà DTL hiện nắm giữ chỉ còn hơn 4,6 tỷ đồng mà thôi.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho của công ty đang chiếm 1.181,9 tỷ đồng, công ty đang có khoản phải thu của khách hàng tương đối lớn lên tới 269,5 tỷ. Ngoài ra, DTL cũng đã trả trước cho người bán 58,3 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, DTL đang nắm một lượng nợ vay ngắn hạn tương đối cao. Cụ thể thì công ty đang có 1,090,2 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Mặc dù lượng nợ vay ngắn hạn đã giảm hơn 100 tỷ so với đầu kỳ nhưng vẫn lớn hơn hẳn so với vốn chủ sở hữu.
Tại cuối Quý 2, vốn chủ của DTL chỉ còn 818,5 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với cách đây 1 năm kể từ khi DTL bắt đầu ghi nhận thua lỗ. Đáng chú ý đó là khoản lợi nhuận lũy kế chưa phân phối đầu kỳ vẫn đang còn 93,2 tỷ đồng đến nay đã "bốc hơi" chỉ còn hơn 100 triệu đồng. Công ty cũng đang bị âm cổ phiếu quỹ 14,5 tỷ đồng.