'Lò lúc nào cũng nóng' nên không dám quyết, không dám làm, sợ chịu trách nhiệm!
Về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng nguyên nhân do quản trị yếu kém, năng lực của người đứng đầu hạn chế. 'Trong bối cảnh 'lò lúc nào cũng nóng' nên không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm.' - ông Hạ nói.
Trong 2 ngày 30-31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là tình trạng giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2019 quá chậm.
Sợ “lò lúc nào cũng nóng”
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng nguyên nhân giải ngân vốn chậm là do công tác lập quy hoạch, kế hoạch dự án thực hiện thiếu chủ động, không sát với nhu cầu thực tế chủ trương.
“Có nơi thì chỉ khảo sát qua loa, hỏi ý kiến rồi đưa vào danh mục đầu tư, phê duyệt cho kịp thời gian quy định. Thứ tự ưu tiên đầu tư không trúng, không sát với thực tiễn. Có nơi nhu cầu đầu tư do doanh nghiệp đề xuất. Công tác đầu tư, lập dự án còn nhiều bất cập.” - ông Hạ đánh giá.
Vị đại biểu này cũng đánh giá, việc lựa chọn đơn vị tư vấn năng lực yếu, cơ quan có trách nhiệm thẩm tra, thẩm định thiếu kinh nghiệm dẫn đến dự án phải điều chỉnh nhiều lần, vì phát sinh khối lượng, đội vốn đầu tư… Trong khi các nước phát triển chuẩn bị đầu tư 2 - 3 năm để làm trong 1 năm, còn ở Việt Nam chỉ chuẩn bị 1 tháng hay vài tháng để làm trong cả giai đoạn.
“Quản trị thì yếu kém, cán bộ tham mưu thiếu chuyên môn, yếu nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo của người đứng đầu có hạn chế, lại trong bối cảnh lò lúc nào cũng nóng nên không dám quyết, dám làm, sợ chịu trách nhiệm.” - ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Bạc Liêu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm có giải pháp căn cơ và quyết liệt hành động để khắc phục dứt điểm hạn chế nêu trên; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm, xử lý công khai những người đứng đầu để giải ngân chậm, giải ngân không hết vốn phân bổ và giao theo kế hoạch của năm tài chính.
“Đánh võng” không kịp vì cơ chế
Đại biểu Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) cho rằng, cơ chế là vấn đề gây “đau đầu” nhất, đó là nguyên nhân chính yếu của tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ.
Theo đại biểu này, đối với địa phương, những dự án phải có ý kiến của cấp ủy, Thường trực hoặc Thường vụ lại phải thêm các bước phải xin chủ trương, vì Đảng lãnh đạo. Qua thực tế thấy, từ chủ trương chuẩn bị cho đến lúc khởi công công trình, chưa nói thực hiện tập hợp lại phải qua 64 bước, gắn với các thủ tục và số thủ tục thì chắc chắn nhiều hơn số bước này.
“Nếu thực hiện như một cỗ máy, một dự án đầu tư bình thường phải đấu thầu làm trên 90 ngày, anh em thống kê là 94 ngày trôi qua kiểm tra lại thì thấy ở các văn bản khác nhau, gồm từ lập thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư, lập thẩm định phê duyệt dự án, lập thẩm định, lựa chọn nhà thầu, tất cả bản vẽ thi công… Lựa chọn nhà thầu thi công, tất cả quy trình đó nếu bình thường cũng phải mất tới gần 100 ngày.” - đại biểu Dương Văn Thống dẫn chứng.
Ông Thống đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát khi thực hiện Luật Đầu tư công mới, nhất là các Nghị định về quy trình, các bước thế nào cho hợp lý, khoa học.
Điểm tối trong “bức tranh” sáng!
Giải trình trước Quốc hội chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: Tình trạng giải ngân vốn chậm là “điểm tối” trong bức tranh sáng của nền kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, nhất là việc đóng góp giá trị của đầu tư công trong tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP); nhiều công trình, hạ tầng chậm tiến độ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình của 10 tháng của năm 2019 cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt đạt 49,83% so với kế hoạch được giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. “Đến nay còn 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vẫn chưa giao được cho các Bộ, ngành, địa phương.” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Nhìn nhận về nguyên nhân, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khách quan là do một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy trình, thủ tục còn nhiều bất cập; thủ tục điều chỉnh dự án phức tạp. Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất giao cho các cơ quan thời gian tới tiếp tục rà soát để tháo gỡ khó khăn.
Chính phủ cũng xác định nguyên nhân chủ quan là do khâu tổ chức thực hiện là chủ yếu: Công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế; việc giao kế hoạch vốn rất chậm từ Trung ương xuống các Bộ, ngành, địa phương, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ dự án; công tác tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao; trình độ năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, tư vấn giám sát, nhà thầu còn nhiều hạn chế; thiếu động lực trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.
Về việc tìm cách “tiêu tiền” trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ lập ra 5 nhóm giải pháp chính để giải quyết tình hình, đó là: Rà soát các quy định còn vướng mắc để kịp thời điều chỉnh; khẩn trương giao chi tiết và điều chỉnh kế hoạch vốn, trong đó kiên quyết điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khẳng năng giải ngân cao hơn; tập trung chỉ đạo công tác giải ngân ở các cấp, các ngành; đổi mới công tác đánh giá kế hoạch đầu tư công; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nhất là vai trò của người đứng đầu.