'Lò luyện thép' Cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đầu tiên của Việt Nam
'Công tác chuẩn bị về trang thiết bị, phương tiện, đào tạo, huấn luyện của Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) số 1 (VNFPU 1) đã đáp ứng các tiêu chuẩn, sẽ sớm được nâng lên cấp độ 2 trong hệ thống sẵn sàng triển khai của LHQ'.
Đó là nhận xét của Đoàn chuyên gia LHQ đối với VNFPU1 trong chuyến thăm, kiểm tra, đánh giá đơn vị trong tháng 7 vừa qua. Để có được thành tích ấn tượng trên, cán bộ chiến sĩ toàn đơn vị đã trải qua đợt huấn luyện đầu tiên với nỗ lực vượt mọi khó khăn và quyết tâm cao nhất để đóng góp cho hoạt động GGHB.
Mô hình đơn vị theo tiêu chuẩn Liên hợp quốc
Chúng tôi có mặt tại Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1 đóng tại Trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động ở huyện Văn Giang, Hưng Yên trong những ngày cuối cùng của đợt huấn luyện kéo dài gần 80 ngày. Cảm nhận rõ nhất là dấu ấn của một đơn vị trẻ, năng động đang dần được định hình, mang theo khát khao thực hiện sứ mệnh GGHB LHQ tại các địa bàn xa Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Ngọc Thọ - Phó chánh Văn phòng thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ cho biết: “Đơn vị Cảnh sát GGHB LHQ số 1 thành lập từ tháng 1/2024, là mô hình đầu tiên của Bộ Công an triển khai đội hình đơn vị cảnh sát vũ trang, tập hợp lực lượng từ các đơn vị công an trong cả nước. Theo tiêu chuẩn của LHQ, VNFPU 1 có 160 sĩ quan, nhưng quân số hiện tại là 205 người, trong đó có 41 nữ sĩ quan. Số lượng dôi dư để dự phòng khi LHQ yêu cầu tăng số lượng, hoặc dự nguồn cho VNFPU 2. Đến nay, đơn vị đã ổn định tổ chức bộ máy, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác giữa các bộ phận, đảm bảo công tác hậu cần, kỹ thuật, nhất là khả năng tự duy trì, tự vận hành đơn vị theo đúng yêu cầu của LHQ”.
Mô hình tổ chức của VNFPU 1 đang thực hiện theo tiêu chuẩn chung của LHQ gồm 1 chỉ huy trưởng, 2 chỉ huy phó, 5 thành viên ban tác chiến, 24 thành viên hỗ trợ và 173 CBCS bố trí vào 4 trung đội. Đơn vị chia thành hai nhánh: hậu cần đảm bảo và tác chiến. Nhánh hậu cần theo quy định có quân số tối đa không quá 15% tổng quân số đơn vị. Nhánh này phải đảm bảo phục vụ đơn vị hoạt động tác chiến độc lập trong những điều kiện khó khăn nhất định ở phái bộ, có thể đảm bảo cho đơn vị duy trì khoảng 3 tháng mà không có bất cứ một sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Do đó, nhánh này sẽ bao gồm rất nhiều bộ phận, từ bệnh viện dã chiến cấp 1, quản trị và nhân sự đến hậu cần, dịch vụ chung.
Nhánh tác chiến gồm 4 trung đội hiện tại biên chế đang khoảng 40-45 người/ trung đội. Đây chính là 4 kíp chiến đấu theo các nhiệm vụ trọng tâm theo yêu cầu của LHQ. Đó là nhiệm vụ hộ tống bảo vệ yếu nhân và hàng đặc biệt; giải tán đám đông, phòng chống bạo loạn; tuần tra, kiểm soát; phòng chống khủng bố, giải cứu con tin. Theo Thượng tá Phạm Văn Đoàn – Chỉ huy trưởng VNFPU 1 thì đây sẽ là một trung đội độc lập tác chiến tại phái bộ. Tất cả các phương tiện cần thiết cho trung đội hoạt động phải mang theo ra thực địa, duy trì ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đây cũng là một trong những đơn vị đang được Bộ Công an quan tâm, đầu tư vũ khí, phương tiện và trang thiết bị cá nhân hiện đại để đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế.
Trong doanh trại, các loại súng, xe thiết giáp, xe chở quân, xe phun nước giải tán đám đông, xe cứu thương đã được trang cấp và đưa vào sử dụng trong quá trình huấn luyện. Căn cứ vào địa bàn phái bộ có các tuyến giao thông đều là đường đất, xe tác chiến rất dễ bị sa lầy, tắc nghẽn khi đi tuần tra nhiều ngày ở địa bàn xa nên đơn vị được trang bị cả xe nâng, xe cứu hộ các phương tiện. Các trang thiết bị kèm theo như lều bạt, giường dã chiến, tăng võng cùng kĩ năng sinh tồn rất thiết thực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân hay áp tải hàng đặc biệt phải ăn ngủ ngoài thực địa.
Không chỉ được trang cấp vũ khí, phương tiện, trang thiết bị hiện đại, VNFPU 1 còn được quản trị vận hành thông qua nền tảng số. Trung tá Trần Trọng Nguyên – Phó chỉ huy trưởng đơn vị cho biết: “Thời gian tập huấn vừa qua, Ban chỉ huy đơn vị rất tâm huyết và sáng tạo trong việc xây dựng, vận hành web quản lý nội bộ trên mọi lĩnh vực, từ quản lý nhân sự, trang thiết bị vũ khí, lịch phân công tác chiến, công tác đào tạo đến công tác tự vận hành, trang thiết bị cá nhân, y tế. Qua trang web này, lãnh đạo chỉ huy ở Việt Nam sẽ cập nhật chi tiết tình hình hoạt động của đơn vị ở phái bộ. Đoàn chuyên gia LHQ cũng đặc biệt đánh giá cao hình thức quản trị đơn vị qua web nội bộ này”.
Thao trường nắng lửa
Vượt qua những ngày hè nắng nóng, các hoạt động tập luyện diễn ra khẩn trương. Từ tổ chức huấn luyện điều lệnh, võ thuật, bắn súng, kỹ chiến thuật bắt, khám xét đến sơ cứu người bị nạn, phòng cháy chữa cháy và kỹ năng sinh tồn. Những giọt mồ hôi ngoài thao trường đã mang lại kết quả xứng đáng. Trung úy Nguyễn Đức Sơn, sinh năm 1995, cán bộ Trung đoàn Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động đã có khoảng thời gian tập luyện hết mình cùng đồng đội. Anh hào hứng chia sẻ: “Toàn đơn vị thực hiện nghiêm theo 11 chế độ trong ngày. Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi lĩnh hội được rất nhiều kiến thức quý báu, từ kỹ chiến thuật đến khả năng ngoại ngữ. Trong câu chuyện hàng ngày, thay vì nói tiếng Việt thì chúng tôi luyện nói tiếng Anh. Tất cả đều mong đến ngày được lên đường làm nhiệm vụ để có thể trở thành sĩ quan cảnh sát GGHB LHQ”.
Trong các nội dung triển khai ở VNFPU 1, LHQ chú trọng đến công tác đào tạo. Bộ tài liệu song ngữ Anh - Việt cung cấp kiến thức chung về LHQ, về hoạt động GGHB và cảnh sát tham gia GGHB giúp CBCS tự lĩnh hội kiến thức sau giờ học trên lớp. Các buổi tọa đàm về bình đẳng giới và một số chuyên đề chuyên biệt về đơn vị Cảnh sát GGHB có vũ trang được tổ chức thiết thực, hiệu quả. Để đủ điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế thì việc thông thạo ngoại ngữ là một trong những yếu tố hàng đầu. Có đến 6 lớp tiếng Anh ở các trình độ được triển khai trên toàn đơn vị, đan xen với các nội dung tập luyện hàng ngày.
Trong gần 80 ngày huấn luyện, lịch bảo vệ cơ quan đơn vị, bảo vệ kho vũ khí được thực hiện nghiêm. Nhật ký công tác của đơn vị được ghi chép đầy đủ từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của đợt tập huấn. Do đặc thù đơn vị làm nhiệm vụ ở xa Tổ quốc, xa gia đình, nên công tác giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng. Tất cả các hoạt động đều là bước tập dượt vô cùng quan trọng, để khi sang phái bộ, VNFPU 1 sẽ là đơn vị mang dấu ấn của lực lượng Công an Việt Nam, quảng bá văn hóa và hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Phải đợi đến quá trưa chúng tôi mới gặp được Thiếu tá Bạch Hồng Sơn – Bếp trưởng của VNFPU 1 – người vẫn được anh em gọi đùa là “trái tim ấm của đơn vị”. Bởi một trong những đầu mục quan trọng ghi điểm cao trong thang chấm điểm của chuyên gia LHQ vừa qua chính là bếp ăn đạt chuẩn LHQ. “Khi anh em bắt đầu tập luyện thì tổ bếp chúng tôi cũng bắt tay vào vận hành bếp ăn. Tổ bếp hiện có 4 người, nhưng theo biên chế của LHQ chỉ có 3 người. Để phục vụ hơn 200 suất ăn/bữa, ngày 3 bữa thì chúng tôi phải vào việc từ 4 giờ sáng đến 21 giờ 30 tối mới hoàn thành công việc trong ngày”, Thiếu tá Sơn chia sẻ.
Hệ thống bếp rộng chia thành khu cơ chế, chế biến với hệ thống điện nước đảm bảo, tất cả mọi dụng cụ, thiết bị nấu ăn và đồ ăn cá nhân đều phải đạt chuẩn về an toàn vệ sinh. Các khay thức ăn đều là khay inox, đảm bảo không xả thải ra môi trường khi triển khai tại phái bộ. Ngay cả trong tình huống đơn vị di chuyển đến địa điểm mới thì bếp ăn phải đảm bảo hoạt động độc lập trong môi trường dã chiến mà không có sự trợ giúp bên ngoài. Vì thế phải có cả xe chở nước đi theo để tổ bếp nấu ăn phục vụ đơn vị.
Một điều đáng lưu ý là nguồn thực phẩm tại phái bộ do LHQ cung cấp đều ở dạng đông lạnh. Tổ bếp đã tập huấn trước bằng cách thử nghiệm cấp đông thực phẩm, sau đó rã đông và đưa vào chế biến. Từ đó rút ra những quy trình chế biến đồ tươi sống và đồ đông lạnh có sự khác nhau, gia vị nêm nếm khác nhau. “Do đặc thù môi trường tập luyện với cường độ cao, chúng tôi đã nỗ lực hết sức để đảm bảo những bữa ăn đủ dinh dưỡng cho anh em. Chúng tôi mang trong mình tinh thần sẵn sàng lên đường, có thể nấu những bữa ăn đảm bảo an toàn sức khỏe, thể lực cho toàn đơn vị khi đóng quân ở phái bộ”.
Trong đội hình VNFPU 1, có một bộ phận cũng không kém phần quan trọng, đó là bệnh viện dã chiến cấp 1. Theo yêu cầu, bệnh viện dã chiến cấp 1 cần 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng, 1 lái xe, 2 nhân viên hỗ trợ. Đại úy, bác sĩ Phạm Thị Nhung từ Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an đã có mặt trong đội hình tập huấn GGHB LHQ. Với chị và những đồng đội mặc áo blouse trắng, đây là lần đầu tiên họ làm nhiệm vụ ở môi trường thực chiến đảm bảo việc khám chữa bệnh cho CBCS trong đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở phái bộ. Hiện tại, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ đang từng bước hoàn thiện cả về nhân lực và máy móc thiết bị y tế, thuốc men để bệnh viện hoạt động hiệu quả trong môi trường phái bộ.