Lò luyện viết văn nở rộ như... nấm sau mưa

Sau bài báo 'Học văn thơ trực tuyến 'cầm tay chỉ việc' (Tiền Phong Chủ Nhật số ra ngày 8/10), dư luận trong giới khá ồn ào. Nhiều nhà văn thắc mắc liệu người mở lớp dạy có đủ uy tín? Lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội cũng lên tiếng. Lại có người cho rằng 'có cung có cầu', có người muốn học ắt có người đứng ra dạy… Lò luyện viết văn làm thơ đang kỳ nở rộ.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Từ những khóa bồi dưỡng viết văn cũng có học viên trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Từ những khóa bồi dưỡng viết văn cũng có học viên trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Lớp học dạy thơ văn trực tuyến vẫn ăn khách có phải vì quảng cáo hay? Thí dụ: “Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng Sáng tác Văn học phối hợp với Chi hội II- Hội Nhà văn Hà Nội tiếp tục chiêu sinh mở lớp thơ khóa 4…”. Phóng viên Tiền Phong Chủ nhật liên lạc với nhà thơ Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Nguyên văn lời của ông: “Hội Nhà văn Hà Nội không có chủ trương để các chi hội tổ chức mở lớp bồi dưỡng viết văn, dưới mọi hình thức. Còn chuyện anh Minh (nhà văn Bùi Thanh Minh-PV) quảng cáo thì trung tâm do anh ấy thành lập từ trước. Vừa rồi, chúng tôi sắp xếp lại tổ chức có đưa anh Minh vào ban chấp hành phụ trách chi hội, vì anh ấy là người hoạt động tích cực. Với danh nghĩa anh ấy là Chi hội trưởng Chi hội II - Hội Nhà văn Hà Nội nên anh ấy tự đưa vào quảng cáo thôi”.

Phóng viên tiếp tục liên lạc với nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội. Ông cũng nói tương tự: “Việc nhà văn Bùi Thanh Minh mở lớp dạy viết thơ văn trực tuyến không liên quan gì đến Hội, mà là việc của công ty ông ấy, được thành lập từ năm 2014 thì phải”.

Có ý kiến thắc mắc: Nhà thơ Bùi Việt Mỹ từng xuất hiện ở khóa đào tạo văn thơ của nhà văn Bùi Thanh Minh? Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội xác nhận: Có một lần nhân dịp tổng kết khóa học, ông được mời đến dự chia vui, còn ông chưa từng tham gia giảng dạy hay có bất cứ hoạt động nào liên quan đến những lớp học trực tuyến này.

Một cán bộ của Hội Nhà văn Việt Nam gửi cho phóng viên Tiền Phong Chủ Nhật hình ảnh về một chương trình học thơ cùng nhà thơ, dành cho học sinh từ 9-13 tuổi. Liếc qua hình ảnh tôi bật cười, hỏi: “Nguyên “Nhà thông thái” của “Ai là triệu phú”, cố vấn chương trình ồn ào “Vua tiếng Việt”, bây giờ lại dạy thơ cho trẻ? ”.

Trong nội dung giảng dạy còn có cả phần “sáng tác thơ siêu tốc” khiến tôi lại nhớ chuyện đi 7 bước làm một bài thơ của thi nhân thời Tam Quốc. Vị cán bộ của Hội Nhà văn Việt Nam cười, bình luận: “Thầy dạy viết văn, làm thơ bây giờ mọc lên như nấm”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định Hội không có chủ trương mở lớp bồi dưỡng viết văn, dưới mọi hình thức

Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định Hội không có chủ trương mở lớp bồi dưỡng viết văn, dưới mọi hình thức

Không phạm pháp nhưng…

Khi phóng viên Tiền Phong Chủ Nhật gợi chuyện về các lớp bồi dưỡng văn, thơ trực tuyến phát triển sau đại dịch COVID-19, một vị giảng viên, nhà phê bình văn học Việt Nam hiện đại bày tỏ quan điểm: “Họ mở lớp có phạm pháp gì không? Nếu không thì tốt thôi. Đó là quan hệ dân sự bình thường giữa người có nhu cầu học và nhu cầu dạy”.

Tuy nhiên, một nhà thơ tên tuổi bình luận: “Sai thì chẳng có gì sai cả. Nhưng tôi không hiểu người ta dạy làm thơ là dạy như nào?”. Vị này nói tiếp: “Kỹ thuật căn bản về thơ ca thì mọi người được học từ thời phổ thông rồi: Thế nào là thơ lục bát, thế nào là thơ tứ tuyệt… Đó là chuyện của trường phổ thông. Tôi không hiểu bây giờ họ còn dạy cái gì?”.

Phóng viên Tiền Phong Chủ Nhật đọc cho nhà thơ nổi tiếng nội dung của lớp học thơ trực tuyến do nhà văn Bùi Thanh Minh giảng dạy. Đó là 7 bí kíp làm thơ (đã nêu trong Tiền Phong Chủ Nhật số 281, ngày 8/10/2023).

Sau khi nghe xong, nhà thơ cười lớn: “Tôi không bình luận về lớp học này”. Ông cho biết, chưa từng có ý định mở lớp dạy làm thơ, dù biết cũng có khả năng đem lại thu nhập tốt: “Chuyện này phức tạp lắm. Thơ ca có phải ai giảng dạy cũng được đâu? Tôi có đi nói chuyện thơ ở nhiều địa phương khi có lời mời nhưng chỉ nói chuyện thế thôi, còn bảo tôi trình bày định nghĩa thơ hay làm thơ ra sao thì tôi chịu”.

Một nữ nhà văn có tiếng thẳng thắn trong làng văn đặt câu hỏi: “Sao tôi không thấy mấy ông đình đám như Hữu Thỉnh mở lớp dạy làm thơ? Toàn những nhân vật ngay người trong giới còn lơ mơ không rõ là ai lại đứng ra giảng dạy? Thực ra, chẳng cần phải viết văn, làm thơ cũng có thể dạy làm thơ, viết văn. Vì người dạy khác hẳn người sáng tác. Nhưng để có thể dạy cũng cần bằng cấp, chuyên môn, không thể tùy tiện”.

Đây cũng là thắc mắc của không ít nhà văn, nhà thơ. Có người hỏi: “Vì sao một nhà văn như Bùi Thanh Minh lại mở lớp truyền bí kíp làm thơ? Trong khi không phải nhà văn nào cũng có khả năng làm thơ, thử điểm trong làng văn Việt Nam từ trước đến nay, có mấy người làm thơ cũng hay, viết truyện ngắn, tiểu thuyết cũng tài?”. Có một biên tập viên còn “mách”: Người dạy làm thơ trực tuyến hay viết sai chính tả.

Chị kể: “Tôi từng biên tập bút ký của người này khi đi thực tế tại nông trường bò sữa Mộc Châu. Bài viết có rất nhiều lỗi chính tả, tôi biên tập rất vất vả mới sử dụng được”.

Phóng viên không nghi ngờ về điều biên tập viên kể, vì ngay trong bài đăng công khai quảng cáo chiêu sinh khóa 4- Lớp thơ trực tuyến, người người đọc được, nhà văn vẫn còn vô tư viết “trìu tượng hóa trong thơ” chứ không phải “trừu tượng hóa”.

 Chương trình “Học thơ cùng nhà thơ” đang được quảng cáo

Chương trình “Học thơ cùng nhà thơ” đang được quảng cáo

Giáo viên dạy văn Lê Thị Thiện, cựu sinh viên khoa Văn K41, ĐH KHXH & NV Hà Nội, băn khoăn: “Sáng tác (viết thơ, văn) trước tiên phải có năng khiếu (thiên bẩm, trời cho). Sau đó, nếu được học về kỹ thuật, trang bị tri thức nền thì sẽ chuyên nghiệp hơn. Bản chất văn chương là sáng tạo, phá cách, cá thể chứ không phải “làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho”.

Liệu nền văn học ta có tạo ra được nhiều văn nhân, thi nhân xuất sắc như chính “giáo án lên lớp” của các lò luyện viết? Tôi cho rằng khó hơn lên giời”.

Không ảo tưởng đào tạo ra nhà văn

Nhà giáo, nhà phê bình Văn Giá – nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội không dám nhận trường viết văn hay khoa viết văn có thể đào tạo ra những nhà văn, nhà thơ. Ông kể: “Ngày xưa đã có một số nhà văn, nhà thơ thiếu thiện chí dè bỉu Trường viết văn Nguyễn Du: Làm sao mà đào tạo ra nhà văn được? Từ thời cụ Hoàng Ngọc Hiến còn làm chủ nhiệm khoa, cụ đã nói đại ý: Chúng tôi không bao giờ có ảo tưởng đào tạo ra các nhà văn, mà chúng tôi chỉ đào tạo ra những người làm nghề viết văn. Họ có trở thành nhà văn hay không còn tùy thuộc vào tài năng và sự khổ luyện của họ”.

Đi học để vào Hội?

Trao đổi với nhà thơ Vũ Quần Phương, ông xác nhận: Từng được nhà văn Bùi Thanh Minh mời tham gia giảng dạy ở khóa thơ trực tuyến. Song sau đó, phía nhà văn Bùi Thanh Minh lại dừng, không mời nữa. Chẳng hiểu vì sao? Phóng viên “bật mí”: Nhà văn Bùi Thanh Minh nói là do ông không thành thạo kỹ thuật máy móc.

Nhà thơ Vũ Quần Phương gật đầu: “Có lẽ thế”. Nhưng ông cũng đã từng dạy online nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật viên. Cảm xúc của Vũ Quần Phương: “Dạy thơ online giảm hứng khởi so với dạy trực tiếp”.

Ông nói tiếp: “Hầu như năm nào tôi cũng tham gia giảng dạy về thơ. Tôi thường chia sẻ cách hiểu, đánh giá một bài thơ, cách làm một bài thơ. Không bài giảng năm nào trùng với năm nào, vì tùy thuộc lứa học viên đó, tùy theo những vấn đề nổi lên trong xã hội thời điểm ấy… Cho nên, bài giảng không phải soạn một lần cho tất cả mà mỗi lần lên lớp lại có phần riêng”.

Quảng cáo chiêu sinh khóa 4 - Lớp thơ trực tuyến

Quảng cáo chiêu sinh khóa 4 - Lớp thơ trực tuyến

Phóng viên hỏi: “Dạy thơ vất như thế ông có được trả thù lao xứng đáng?”. Nhà thơ Vũ Quần Phương đáp: “Làm văn chương thì không tính thù lao. Thí dụ in sách nhiều khi không có chỗ bán mà vẫn in. Đi dạy vì tôi quí những người yêu văn chương, quí cái tình của người ta với mình”.

Ông xác nhận học viên đa phần là những người lớn tuổi, đã hưu trí: “Những người đang đi làm chỉ chiếm ¼ thôi, họ khó nghỉ làm để đi học”. Một vấn đề nhiều người quan tâm: Những lớp dạy văn chương như thế có phát hiện ra những tài năng không? Câu trả lời của nhà thơ Vũ Quần Phương khá lạc quan: “Hình như lớp nào cũng có người được gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, gia nhập Hội Nhà văn các địa phương thì càng nhiều”.

Những khóa bồi dưỡng viết văn thực ra không phải sáng kiến gì mới sau đại dịch. Trước đó, Hội Nhà văn Việt Nam cũng có những khóa bồi dưỡng trực tiếp ngắn hạn. Có điều, Hội không để một nhà văn hay một nhà thơ “bao sân”. Không biết độ hấp dẫn thế nào nhưng có không ít học viên tham gia liên tiếp các khóa bồi dưỡng viết văn của Hội. Vị cán bộ của Hội Nhà văn Việt Nam lấy ví dụ về một cây bút từng tham gia nhiều khóa bồi dưỡng viết văn, sắp sửa trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì sự việc đạo thơ nhiều lần bị khơi lại ầm ĩ, với câu hỏi: Vì sao một tác giả đạo thơ nhiều lần vẫn vượt qua các cửa xét duyệt để trở thành tân Hội viên Hội nhà văn Việt Nam? Sau ồn ào, đương nhiên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã phải thu hồi quyết định kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam với tác giả này.

Xin khép lại bài viết với quan sát của một nhà văn tên tuổi: “Ngày xưa lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam mở rất nhiều khóa, trong đó không ít ông bà học viên đến học, mong muốn gặp gỡ các thầy với cái đích xin vào Hội”.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lo-luyen-viet-van-no-ro-nhu-nam-sau-mua-post1578268.tpo