Lo mất 'miếng bánh' trên sân nhà, cần nhìn bài học từ 'đàn chim di cư'
Sự thiếu liên kết, trong khi năng lực nội tại yếu bởi quy mô nhỏ bé, nguồn lực hạn chế có thể khiến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã mất ngay miếng bánh trên 'sân nhà'.
Giá sầu riêng tăng cao mở ra nhiều cơ hội cho cả người trồng sầu riêng và các HTX, DN tham gia chuỗi giá trị. Tuy vậy, chính các thương nhân, DN Trung Quốc cũng nhìn thấy rõ cơ hội này và đã sang Việt Nam để thu mua tận nơi.
Doanh nghiệp Việt lo thất thế
Theo bà Đoàn Thùy Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vĩnh Khang, sầu riêng của Việt Nam hấp dẫn các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Thời gian qua, nhiều DN Trung Quốc đổ xô về Việt Nam mua hàng.
Theo bà Giang, họ đến ngỏ ý mua sầu riêng Việt Nam từ khi trái ra hoa. DN Trung Quốc “ăn ngủ” tại vựa để chờ thu mua.
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy – Tiền Giang), giá sầu riêng cao nông dân hưởng lợi nhưng đối với thương lái, HTX, DN gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thu mua và cạnh tranh.
Thực tế, nhiều thương lái, DN Trung Quốc với lợi thế về vốn, am hiểu thị trường đã sang các vựa sầu riêng Việt Nam “mua tận gốc, bán tận ngọn” khiến các HTX, DN của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
“Nông dân ai đặt cọc tiền nhiều, mua giá cao thì người ta bán. Ví dụ, họ có 10 tấn mà tôi chỉ đặt cọc 5 triệu thì tất nhiên họ sẽ bán cho thương lái Trung Quốc đặt cọc tới 500 triệu đồng”, ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, mỗi tháng, HTX túc tắc mua từ 5-10 container tùy từng thời điểm. “Mấy hôm nay tôi không làm vì đầu chuỗi không có lời nên họ không mặn mà mua”, vị Giám đốc HTX cho biết.
Nhìn nhận câu chuyện của ngành sầu riêng, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho biết sầu riêng ra hoa, thương lái Trung Quốc vào tận vườn, quan sát và đặt hàng ngay lập tức. Nếu DN trong nước xây dựng được mối “liên kết, hợp tác” bền chặt với nhau, sẽ không có chuyện tư thương nước ngoài có thể vào để chiếm lĩnh “miếng bánh” trong nước.
Không chỉ câu chuyện sầu riêng, GS.TS. Hoàng Văn Cường đánh giá, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam nhưng thực tế rằng một số tập đoàn đa quốc gia vẫn “làm việc” độc lập bởi chưa có DN trong nước đủ năng lực để bắt tay, đồng hành với họ.
Bài học từ “đàn chim dư cư”
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp chuyên về hạ tầng khu công nghiệp chia sẻ vừa qua có tham dự một diễn đàn về thu hút đầu tư nước ngoài, ông nghĩ rằng đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu khu công nghiệp của mình với các nhà đầu tư. Tuy vậy, khi tiếp xúc mới biết rằng một số nhà đầu tư nước ngoài đã có khu công nghiệp tại Việt Nam và chính họ tới đây để thu hút doanh nghiệp đến với khu công nghiệp của họ.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhìn nhận thêm, tăng trưởng xanh, thu hút FDI… được đánh giá là tiềm năng, động lực tăng trưởng mới của Việt Nam, nhưng cá nhân ông nhìn nhận đây sẽ là thách thức. Nguyên nhân là bởi làn sóng đầu tư của Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Họ đầu tư với quy mô lớn và làm rất nhanh.
Ông Tuất kể trong một lần gặp gỡ chuyên gia người Nhật chuyên về làm khuôn mẫu để phục vụ sản xuất công nghiệp. Vị này đánh giá nếu năm 2000, Trung Quốc chưa làm nổi khuôn mẫu, nay họ có thể làm được hầu hết linh kiện phụ tùng cho một chiếc xe ô tô.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã nhiều lần chỉ ra làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của Trung Quốc vào Việt Nam với quy mô cực lớn và làm cực nhanh. Kéo theo đó là hệ thống các công ty con, hình thành chuỗi sản xuất cụm chi tiết để xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ, tránh hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan. Đây là nỗi lo trong cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, ông Tuất kiến nghị cần có chiến lược, coi công nghiệp hỗ trợ có vai trò cực kỳ quan trọng, là linh hồn, hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa đất nước, để từ đó có tầm chiến lược, có suy nghĩ thấu đáo và sâu sắc, toàn diện về phát triển. Thêm nữa, cần có đạo luật riêng cho công nghiệp hỗ trợ, với các chính sách ưu đãi mang tính đặc thù riêng, làm cơ sở để thúc đẩy công nghiệp hóa.
Trong khi đó, GS.TS. Hoàng Văn Cường khuyến nghị, DN Việt Nam cần phải xác định không chỉ ở thị trường trong nước mà cần vươn tới thị trường nước ngoài. “Chúng ta có lẽ đều nhìn thấy hình ảnh đàn chim di cư thường bay theo hình chữ V, trong đó có sự dẫn dắt của con đầu đàn và sự hỗ trợ của cả đàn chim để bay đi được xa”, ông Cường nói. Đó chính là sự hợp tác, hỗ trợ bền chặt. DN nhỏ muốn vươn ra biển lớn phải có liên kết, nếu không thì khó chiến thắng.
“Các DN phải bắt tay với nhau và có sự hỗ trợ chính sách, đồng hành của DN lớn để biến lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài thành cơ hội của DN trong nước”, ông Cường nói.
Theo nhiều chuyên gia, nếu để các DN nhỏ và vừa năng lực hạn chế sẽ không đủ sức để nhận chuyển giao công nghệ, tham gia vào chuỗi các tập đoàn đa quốc gia. Theo đó, Việt Nam phải xây dựng những tập đoàn kinh tế đủ lớn để bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài để từ đó vai trò dẫn dắt kết nối với những thành phần DN trong nước khác.
Đơn cử, ở lĩnh vực chip bán dẫn, FPT, Viettel... phải vào cuộc và phát triển chuỗi giá trị, trong đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ để các tập đoàn lớn xây chuỗi bền vững.
TS. Trần Thị Hồng Minh
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
Việt Nam cần cân nhắc một số định hướng chính sách nhằm “làm mới” động lực cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho hoạt động-sản xuất kinh doanh của DN. Trong đó, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế liên kết vùng, nhằm tạo động lực cho liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp ở các địa phương theo tư duy chuỗi giá trị để “cùng hợp tác, cùng thắng”. Sớm rà soát, hoàn thiện khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, kinh tế sáng tạo) để tạo không gian kinh tế lớn hơn cho cộng đồng DN.
Ông Ngô Sỹ Hoài
Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST)
Hiện, các DN xuất khẩu mới tham gia vào các thị trường với tư cách là các DN, doanh nhân cá thể, chưa phải tư cách ngành hàng quốc gia. Do đó, sức cạnh tranh còn thấp. Cạnh tranh nước ngoài thì ít, cạnh tranh trong nước thì nhiều. Chính phủ, Quốc hội cần cơ chế nào đó để DN hợp nhất, đồng lòng. Hiệp hội chỉ mang tính khuyến nghị mềm, chưa đủ sức thuyết phục DN hợp tác để cùng phát triển.
Bà Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế
Do hạn chế về nguồn lực, nhiều DN chọn cách mua bán và sáp nhập (M&A). Nhưng khi nói đến M&A, có hai kiểu. Thứ nhất là các DN tìm nhà đầu tư chung sức chung tay để cùng nhau phát triển bền vững phát triển lâu dài. Thứ hai là những DN muốn “bán đứt”, rút lui khỏi thị trường, là hiện trạng hết sức đáng lo. Nếu DN đi theo hướng "bán mình" luôn thì chắc chắn sẽ làm suy yếu nội lực Việt Nam. Một số ngành hàng Việt Nam đang có vị thế nhất định kể cả trong nước lẫn xuất khẩu có thể bị rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta không thể có nền kinh tế trung bình cao hay cao nếu không chịu tự lực tự cường mà chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài.