Lo ngại bảo mật thông tin khi xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành bảo hiểm
Đối với việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, đại biểu đoàn Bình Thuận đề nghị trong dự thảo luật cần phải có điều khoản quy định về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.
Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được thảo luận tại Quốc hội sáng 29/10 với 30 ý kiến được trình bày
Kiến nghị nghiêm cấm làm phiền, quấy nhiễu khách hàng
Sau phiên thảo luận tại tổ ngày 25/10, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội thảo luận hôm nay (29/10) và ghi nhận thêm loạt ý kiến từ các đại biểu. Thảo luận từ điểm cầu Thanh Hóa, đại biểu Võ Mạnh Sơn nêu ra thực tế kinh doanh bảo hiểm hiện nay khi nhân viên tại một số công ty bảo hiểm thực hiện giới thiệu, quảng bá về bảo hiểm diễn ra dưới nhiều hình thức, sử dụng công nghệ thông tin như tin nhắn, điện thoại.
Việc nhắn tin điện thoại diễn ra thường xuyên, liên tục thực sự gây bức xúc cho người được nhắm đến. Do vậy, vị đại biểu này cho rằng việc làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức có thể bổ sung thêm vào nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tuân thủ các quy định về pháp luật và thông tin truyền thông.
Đại biểu Trần Chí Cường - đoàn thành phố Đà Nẵng cũng nêu thực trạng nhiều trường hợp khách hàng mua bảo hiểm tại các ngân hàng hủy hợp đồng ngay từ năm đầu tiên. Phía khách hàng có một số trường hợp phản ánh việc mua bảo hiểm là mang tính chất đối phó, bị ràng buộc để đảm bảo thuận lợi trong việc giao dịch với ngân hàng. Đại biểu Trần Chí Cường đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý ngân hàng thương mại.
Cũng nêu ra đề nghị có thêm các điều khoản quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cơ quan chức năng để đảm bảo quản lý và chế tài, bà Nguyễn Thị Thu Dung, đại biểu đoàn Thái Bình phản ánh trường hợp lợi dụng các loại hình kinh doanh dịch vụ bảo hiểm để hình thành các loại huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp khi người mua lại biến thành một đại lý ảo, đại lý không chính thức rồi quay lại tìm kiếm, lôi kéo những người mua cấp thấp hơn. Đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng đây là điều cần hết sức lưu ý, nhất là khi hiện nay có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên môi trường không gian mạng, mà các đối tượng kinh doanh đa cấp có thể lợi dụng.
Tiếp thu và giải trình liên quan đến quy định về đại lý bảo hiểm và môi giới dịch vụ bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ hoàn thiện và nâng cao tính chuyên nghiệp và tránh lợi dụng để ép buộc khách hàng.
Một số ý kiến kiến nghị đưa việc tổ chức thi, cấp chứng nhận, chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm cần được xã hội hóa, thay vì giao toàn bộ cho Bộ Tài chính. Về vấn đề này, Bộ trưởng giải thích việc Bộ giữ vai trò tổ chức thi và cấp chứng chỉ nhằm quản lý một cách có chất lượng với lĩnh vực có điều kiện như bảo hiểm, tương tự các ngành khác như chứng khoán, kiểm toán và định giá…
Lo ngại bảo mật hông tin khi xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu
Một trong các điểm mới bổ sung thêm trong dự thảo Luật kinh doanh Bảo hiểm lần này là quy định tại Điều 6 về hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm. Theo dự thảo gần nhất, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Tại phiên thảo luận tại nghị trường ngày 29/10, nhiều đại biểu nêu ra những lo lắng về tính bảo mật thông tin cá nhân đối với cả người mua bảo hiểm và người được bảo hiểm. Theo quy định, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn (Điều 21 Hiến pháp), đồng thời, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý (Điều 38 Bộ luật Dân sự).
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng không có cơ sở nào để đảm bảo các công ty bảo hiểm không cung cấp thông tin khách hàng cho một tổ chức, cá nhân khác khi chưa có sự đồng ý của khách hàng. Trong khi hiện nay thông tin cũng là một nguồn lực, một nguồn tài sản rất lớn.
Đối với việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, đại biểu đoàn Bình Thuận đề nghị trong dự thảo luật cần phải có điều khoản quy định về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - TP Hà Nội đề xuất cần thiết đưa nội dung cung cấp thông tin quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Đại biểu đoàn Hà Nội cũng nhấn mạnh hiện báo cáo giải trình, tiếp thu của Bộ Tài chính mới nêu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong bảo mật thông tin khách hang, rong khi các cơ quan, các chủ thể cơ quan nhà nước khi có yêu cầu và được quyền đề nghị doanh nghiệp cung cấp thì cũng được tiếp cận với các cơ sở dữ liệu này.
Thay đổi bố cục và kết cấu của dự án luật
Tiếp thu ý kiến các đại biểu sau phiên thảo luận tại tổ 25/10 và phiên thảo luận hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế để điều chỉnh bố cục và kết cấu của dự án luật.
Cụ thể, Chương VI về tài chính hạch toán, báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm thành 1 mục của Chương III doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm. Quy định rõ về Ban kiểm soát và nói rõ chức năng, nhiệm vụ. Về ứng dụng công nghệ thông tin thì sẽ tách mục 8, Chương III thành một chương riêng thay cho Chương VI nhằm phát triển sản phẩm bảo hiểm trên nền tảng số và khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo hiểm để giảm chi phí.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết sẽ kéo gần thời điểm hiệu lực của Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) về ngày 01/01/2023 thay cho ngày 01/7/2023 như dự thảo.