Lo ngại gia tăng rào cản cho doanh nghiệp khi gia nhập thị trường

Theo các chuyên gia, bên cạnh những điểm mới tích cực, Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (DN) vẫn còn một số quy định chưa phù hợp cần được xem xét, điều chỉnh, để không tạo thêm những rào cản cho DN trong quá trình gia nhập thị trường.

Các quy định về đăng ký DN hiện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Ảnh minh họa: S.T

Các quy định về đăng ký DN hiện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Ảnh minh họa: S.T

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký DN, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9/2024. Dự thảo Nghị định có 9 chương và 83 điều. So với quy định hiện hành, Dự thảo Nghị định có một số điểm mới theo hướng đơn giản hóa hơn thủ tục hành chính về đăng ký DN trên cơ sở kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và chú trọng nâng cao công tác hậu kiểm, tạo thuận lợi tối đa cho DN khi gia nhập thị trường…

Chia sẻ tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định về đăng ký DN” mới diễn ra, đa số các đại biểu đều đánh giá cao những điểm mới của Dự thảo Nghị định trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi thực hiện các thủ tục về đăng ký DN để gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Nghị định vẫn còn một số nội dung, quy định cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Góp ý cho Dự thảo Nghị định, luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật TNHH Bizlink cho rằng quy định về việc ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký DN cần xem xét lại, bổ sung cho phù hợp.

Theo quy định tại Dự thảo, trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký DN, kèm theo hồ sơ đăng ký DN phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký DN, giấy giới thiệu hoặc văn bản phân công nhiệm vụ của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký DN.

Theo đó, cơ quan đăng ký kinh doanh không chấp thuận hồ sơ đăng ký DN chỉ đính kèm văn bản ủy quyền của DN/cá nhân cho tổ chức mà không đính kèm hợp đồng cung cấp dịch vụ.

Luật sư Mạnh cho rằng, việc bắt buộc đính kèm “bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký DN” là không phù hợp với thực tế, không làm tốt hơn bất kỳ mục tiêu quản lý nhà nước nào, mà vô hình trung lại tạo thêm trở ngại cho DN trong quá trình thực hiện.

Bởi lẽ, nội dung của hợp đồng cung cấp dịch vụ (như dịch vụ pháp lý, dịch vụ luật sư) không chỉ ghi nhận thông tin của các bên trong hợp đồng, nội dung dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký DN, mà còn có nội dung thực hiện các dịch vụ pháp lý khác không liên quan tới đăng ký DN hoặc các thông tin bảo mật của DN/cá nhân người sử dụng dịch vụ. Các thông tin bảo mật này chỉ được DN/cá nhân cung cấp cho tổ chức được ủy quyền (như công ty luật) trên cơ sở các bên ký kết thỏa thuận bảo mật nghiêm ngặt.

Do đó, theo luật sư Mạnh, việc Dự thảo Nghị định quy định bắt buộc đính kèm “hợp đồng dịch vụ” mà không chấp nhận “văn bản ủy quyền” có thể xem là một quy định không hợp lý, không thể hiện mục đích quản lý nhà nước mà thay vào đó tạo thêm vướng mắc không cần thiết cho DN/cá nhân có mong muốn đăng ký kinh doanh và tổ chức được ủy quyền trong việc thực hiện thủ tục đăng ký DN.

“Chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng chấp thuận “văn bản ủy quyền của DN cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký DN” thay thế cho hợp đồng cung cấp dịch vụ” - ông Mạnh nói.

Hội thảo "Góp ý Dự thảo Nghị định về đăng ký DN" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 15/7. Ảnh: D.T

Hội thảo "Góp ý Dự thảo Nghị định về đăng ký DN" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 15/7. Ảnh: D.T

Cũng góp ý cho Dự thảo Nghị định, luật sư Hoàng Thanh Tuấn - Công ty Luật TNHH DIMAC đề xuất giảm thời hạn xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung.

Theo quy định hiện hành cũng như tại Dự thảo Nghị định thì thời hạn để cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký DN là 03 ngày làm việc kể từ ngày DN nộp hồ sơ. Thời hạn này áp dụng cho cả việc nộp hồ sơ lần đầu cũng như nộp hồ sơ đã sửa đổi, bổ sung theo thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh.

“Tôi cho rằng có thể cân nhắc giảm thời hạn xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung, ví dụ, chỉ còn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung của DN” - luật sư Tuấn góp ý.

Bởi theo vị luật sư này, vì hồ sơ đã được cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét rồi, nên việc giảm thời hạn xem xét tính hợp lệ của hồ sơ sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ, qua đó giúp DN nhanh chóng hoàn tất thủ tục đăng ký DN.

Liên quan đến quy định về giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng, Dự thảo Nghị định quy định, các trường hợp thay đổi nội dung đăng ký DN như chuyển đổi loại hình DN, thay đổi chủ sở hữu, thay đổi cổ đông nước ngoài đều phải nộp “hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng”.

Tuy nhiên, Dự thảo không hướng dẫn cụ thể giấy tờ chứng minh hoàn tất chuyển nhượng là gì. Trong khi trên thực tế, có nhiều DN nộp Biên bản thanh lý hợp đồng, Xác nhận hoàn tất chuyển nhượng cổ phần, có DN lại nộp Sổ đăng ký cổ đông hay Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần/phần vốn góp.

Bên cạnh đó, có một số trường hợp, cơ quan đăng ký kinh doanh lại yêu cầu DN nộp Xác nhận của ngân hàng/Sao kê tài khoản ngân hàng ghi nhận dòng tiền về, có trường hợp lại yêu cầu nộp Tờ khai thuế.

“Việc các cơ quan đăng ký kinh doanh tại mỗi địa phương đưa ra các yêu cầu khác nhau về giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng dẫn đến khó khăn cho DN trong việc chuẩn bị hồ sơ và nếu giấy tờ chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh thì DN sẽ mất thêm thời gian để điều chỉnh” - ông Tuấn nói.

Vì vậy, để đơn giản hóa hồ sơ, đại diện Công ty Luật TNHH DIMAC đề xuất Dự thảo Nghị định nên quy định cụ thể tài liệu nào được xem là “giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng”. Theo nguyên tắc DN chịu trách nhiệm về nội dung kê khai, ông Tuấn đề xuất nên quy định theo hướng DN chỉ cần cung cấp Biên bản thanh lý hợp đồng hoặc Xác nhận hoàn tất giao dịch giữa bên bán và bên mua.

Bên cạnh những nội dung trên, các đại biểu cũng góp ý cho Dự thảo Nghị định về các nội dung liên quan đến quy định về đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký DN và thông báo thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký DN; về danh sách cổ đông sáng lập trong trường hợp chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần; về thay đổi trụ sở chính của DN…

Ghi nhận những ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định, đại diện cơ quan soạn thảo, ông Nguyễn Khắc Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở những ý kiến góp ý cụ thể về từng vấn đề, nội dung, cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc, xem xét trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị định để tiếp thu những ý kiến hợp lý, phù hợp với thực tiễn; những nội dung nào không được tiếp thu, cơ quan soạn thảo sẽ có ý kiến giải trình cụ thể.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý của các chuyên gia, DN, với mục tiêu cao nhất là xây dựng được các quy định về đăng ký DN theo hướng thuận lợi nhất cho DN khi gia nhập thị trường./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/lo-ngai-gia-tang-rao-can-cho-doanh-nghiep-khi-gia-nhap-thi-truong-33067.html