Lo ngại lạm phát đổi chiều

PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chiến lược Việt Nam khuyến cáo, lạm phát tổng thể có xu hướng đảo chiều: lạm phát cơ bản tiếp tục giảm chậm, trong khi lạm phát chung có dấu hiệu tăng trở lại.

PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VESS chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô

PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VESS chia sẻ về tình hình kinh tế vĩ mô

Tại buổi chia sẻ của các chuyên gia kinh tế về tình hình kinh tế vĩ mô do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức sáng 9-12, PGS-TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VESS khuyến cáo, lạm phát tổng thể có xu hướng đảo chiều: lạm phát cơ bản tiếp tục giảm chậm, trong khi lạm phát chung có dấu hiệu tăng trở lại. Các yếu tố cơ bản dẫn đến xu hướng này là giá nhiên liệu, điện nước tăng; giá lương thực tăng do thời tiết không thuận lợi. Cùng với đó là xung đột chính trị trên thế giới và tỷ giá tăng.

Nhìn nhận khái quát năm 2023, TS Phạm Thế Anh cho rằng tăng trưởng hồi phục nhẹ qua các quý nhưng ở mức thấp so với điều kiện bình thường và thấp xa so với mục tiêu.

Tăng trưởng tiêu dùng trong nước yếu dần. Đầu tư công dẫn dắt tổng cầu, đầu tư tư nhân trì trệ. Xuất khẩu và công nghiệp chế biến chế tạo hồi phục trong những tháng gần đây. FDI tiếp tục cho những tín hiệu tích cực; tuy nhiên cần lưu ý một số rủi ro về cung ứng năng lượng, thủ tục hành chính và ưu đãi thuế sẽ mất đi (khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng - PV)”, ông Phạm Thế Anh nêu rõ.

Xu hướng chính sách trong nước tiếp tục là nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng, tuy nhiên chính sách tiền tệ dù chưa phải đảo chiều nhưng sẽ cẩn trọng hơn với lạm phát.

Theo chuyên gia này, trong bối cảnh này, các biện pháp tài khóa nên được ưu tiên sử dụng, do dư địa còn nhiều, thể hiện ở mức nợ công giảm và ổn định ở mức vừa phải. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với ngân sách nhà nước không quá căng thẳng. Nợ công nước ngoài thấp, lãi suất vay nợ trái phiếu Chính phủ thấp, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ lành mạnh.

Cụ thể, cùng với việc tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, một số biện pháp khác nên được xem xét, bao gồm: giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa thiết yếu nội địa; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực. Bên cạnh đó là bổ sung, xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội; nâng mức thu nhập chịu thuế và/ hoặc giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân…

Đề xuất áp thuế 5.000 đồng/bao thuốc lá vào năm 2023 và mỗi 2 năm tăng thêm 5.000 đồng

Chuyên gia Đào Thế Sơn đề nghị bổ sung mức thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao vào năm 2023, và cứ mỗi 2 năm lại tăng thêm 5.000 đồng.

Theo Ths Đào Thế Sơn, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm ở Việt Nam là do giá thuốc lá của Việt Nam vẫn rất rẻ, thậm chí đang ngày càng rẻ đi nếu so với thu nhập. Tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam đang ở mức thấp, chỉ chiếm 38,8% (2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), thấp hơn đa số các quốc gia trong khu vực ASEAN, và còn cách xa khuyến cáo của WHO là 70% giá bán lẻ (WHO 2020).

“Chi phí/chi trả trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm. Giá/thuế tăng hầu như không đáng kể trong giai đoạn từ 2010 - 2020, mặc dù có các lần tăng thuế vào các năm 2016, 2019. Thị trường sản phẩm quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, khiến người mua có thể dễ dàng lựa chọn thay thế để giữ nguyên mức chi cho nhu cầu của họ”, chuyên gia này nhấn mạnh.

“Với tỷ lệ hút thuốc lá ở người lớn và nam giới cao nhất khu vực, ước tính mỗi năm Việt Nam chi khoảng 67.000 tỷ đồng chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp do gánh nặng của thuốc lá gây ra. Trong bối cảnh đó, thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. Hiện nay tỷ lệ đóng góp của chính sách thuế trong hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá còn rất thấp. Ngược lại, giá sản phẩm thuốc lá tăng chậm hơn mức tăng thu nhập, khả năng mua thuốc lá ngày càng tăng”, ThS Đào Thế Sơn (Đại học Thương mại) nhận định.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lo-ngai-lam-phat-doi-chieu-post717619.html