Lo ngại ngộ độc thực phẩm trong trường học
Hiện nay, tại một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng… làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho phụ huynh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Sự cố nhiều học sinh trường Tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội phải nhập viện điều trị nghi do ngộ độc thực phẩm thêm một lần gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng bữa ăn học đường nói riêng và ATVSTP (ATVSTP) nói chung.
Liên tiếp xảy ra ngộ độc sau bữa ăn bán trú
Khai giảng năm học mới 2020 - 2021 chưa tròn một tuần nhưng tại trường Tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội đã xảy ra sự cố ATVSTP. Cụ thể, sau bữa ăn bán trú (gồm thịt kho tàu, trứng chim cút, su su xào, canh rau ngót, cơm trắng và sữa học đường), 48 học sinh có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, một số em phải nhập viện cấp cứu. Đây là bữa ăn do nhà trường ký kết với hộ kinh doanh cung cấp không nấu ăn tại trường.
Ngay sau sự cố xảy ra, Chi cục ATVSTP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng đã điều tra, giám sát sự cố về ATVSTP tại nhà trường. Qua kiểm tra thực tế về điều kiện vệ sinh cơ sở của hộ kinh doanh Vũ Quỳnh (huyện Đông Anh) cung cấp suất ăn sẵn cho trường Tiểu học Tiên Dương, các cơ quan chức năng phát hiện cơ sở thiếu lưới phòng, chống côn trùng, động vật gây hại, có côn trùng xâm nhập. Cơ sở sử dụng nguồn nước giếng khoan đã lọc để chế biến thực phẩm nhưng chưa xuất trình được kết quả xét nghiệm. Nhà vệ sinh bố trí bên trong nhà kho…
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, bước đầu nguyên nhân của sự cố này được xác định do yếu tố vi sinh. Qua vụ việc này, ông Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị, tất cả các trường học trên địa bàn Hà Nội quan tâm và tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm ATVSTP trong trường học, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm theo đúng yêu cầu chuyên môn, nhằm bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho các em học sinh.
Sự cố ATVSTP tại trường Tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh chỉ là một trong những vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học trên địa bàn Hà Nội. Đơn cử, vào hồi tháng 4/2019, tại Hà Nội đã xảy ra 2 vụ việc liên quan đến vi phạm ATVSTP trong trường học.
Tại Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), theo phản ánh của các phụ huynh đã có hàng chục học sinh bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa sau bữa ăn trưa. Còn tại trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), một số phụ huynh đã phát hiện 35kg thịt gà đông lạnh bốc mùi ôi thiu được nhà cung cấp giao cho nhà trường. Hay trước đó là vụ ngộ độc thực phẩm tại trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) khiến hơn 200 trẻ cùng 3 giáo viên nhập viện…
Kiểm soát ATVSTP bếp ăn trường học như thế nào?
Trước những bất an về chất lượng bữa ăn học đường, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích phụ huynh tham gia vào việc giám sát công tác bảo đảm ATVSTP tại các trường. Nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cũng đã tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn. Đây là việc làm cần thiết, tăng thêm lực lượng ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn tuồn vào trường học.
Nhưng thực tế, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn học đường ở nhiều nơi vẫn mang tính hình thức, thiếu khách quan. Liệu đơn vị cung cấp thực phẩm có cung cấp đúng thực phẩm bảo đảm an toàn, đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình hay không thì phụ huynh không thể biết được.
Theo Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ, để phụ huynh tham gia giám sát ATVSTP tại các nhà trường là điều rất cần thiết. Dù không có chuyên môn, công cụ, nhưng bằng mắt thường, phụ huynh có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng. Ngoài việc kiểm tra dụng cụ, bát đĩa sử dụng trong chế biến, đựng thức ăn có bảo đảm vệ sinh, phụ huynh có thể đối chiếu với giấy tờ để biết được đơn vị cung cấp có nhập nguyên liệu, thực phẩm đúng với hợp đồng hay không.
Ông Trần Ngọc Tụ cũng lưu ý, các trường học có bếp ăn tập thể phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn. Ngoài ra, các trường nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn.
Mặt khác, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra.
"An toàn bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn trường học đã sớm được cảnh báo và có những chế tài nhằm kiểm soát chất lượng. Để hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc tại bếp ăn tập thể, trong đó có các trường học cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Cụ thể, các đơn vị yêu cầu hiệu trưởng hoặc người chịu trách nhiệm bếp ăn phải có cam kết bảo đảm ATVSTP cho học sinh. Các đơn vị làm việc và có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương về công tác giám sát ATVSTP trong trường học." - Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong
98 học sinh tiểu học ở TP Hồ Chí Minh nghi bị ngộ độc thực phẩm
Ngày 13/9, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 2, TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phúc Huy Tùng xác nhận có 98 em ở trường tiểu học Bình Trưng Đông có biểu hiện bất thường, 20 em đã nhập viện, nghi do ngộ độc bữa ăn ở trường.
Trước đó, trưa thứ Sáu 11/9 các em ở trường tiểu học Bình Trưng Đông ăn trưa là bánh canh tôm, ăn chiều là bánh su kem. Nhưng thứ Bảy 12/9, chiều tối có 8 em nhập viện Bệnh viện Quận 2. Đến sáng 13/9, có 12 em nhập viện chung một biểu hiện nôn ói, sốt, đi ngoài. Hiện phòng Y tế, phòng GD&ĐT đang phối hợp để lấy mẫu thức ăn kiểm tra trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lo-ngai-ngo-doc-thuc-pham-trong-truong-hoc-396080.html