Lo ngại thiếu lương thực vì Covid-19, Triều Tiên nhập khẩu hàng nghìn tấn đậu nành Trung Quốc
Từ tháng 5, Triều Tiên đã chi 2,97 triệu USD để mua 3.744 tấn đậu nành Trung Quốc giữa lo ngại nguồn cung lương thực bị đe dọa do đại dịch Covid-19.
Theo dữ liệu từ Bắc Kinh, trong khoảng 4 tháng đầu năm 2022, nước này chỉ nhập khẩu 500 tấn đậu nành từ Trung Quốc.
Năm nay, Triều Tiên phải đối mặt với nhiều căng thẳng về tình hình lương thực trong nước, được cho là sẽ càng trở nên trầm trọng hơn do gián đoạn thương mại do đại dịch Covid-19 tại nước này bùng lên mạnh mẽ.
CIA ước tính tháng trước nước này đã thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực - tương đương với 2-3 tháng lương thực cho đất nước.
Triều Tiên đã nhập khẩu 2,97 triệu USD đối với 3.744 tấn đậu nành Trung Quốc vào tháng trước. Ảnh: Reuters.
Các chuyên gia cho biết lượng mưa thấp trên khắp cả nước và các đợt giãn cách xã hội đang làm tăng thêm áp lực về lương thực cho quốc gia này.
Trong tuần này, Cho Joong-hoon, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết: “Những nỗ lực để khắc phục hạn hán và sự sụt giảm nguồn cung cấp ngũ cốc và hàng hóa nông nghiệp do tình trạng phải phong tỏa kéo dài sẽ là những yếu tố then chốt trong tình hình lương thực của Triều Tiên.
Bắt đầu từ tháng 5, Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên đã đưa tin khuyến khích người dân tăng trồng lúa bắt đầu nâng cao sản lượng lương thực.
Trong khi các lô hàng đậu tương tăng, xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc sang Triều Tiên đã giảm 85,2% xuống còn 14,51 triệu USD trong tháng 5, sau khi hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa giữa các nước ngừng hoạt động.
Tuyến xuyên biên giới qua thành phố Đan Đông (Trung Quốc) chỉ mới hoạt động trở lại vào tháng Giêng sau hơn một năm tạm ngừng hoạt động. Vào tháng 4, tuyến đường này (chiếm 70% thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên) lại bị đình chỉ một lần nữa khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Do không có vận tải đường bộ giữa các quốc gia, các luồng hàng hóa bất hợp pháp đã trở lại đường biển trong tháng qua, theo một thương nhân Trung Quốc giấu tên.
Các thương nhân nói rằng, cảng Long Khẩu ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc từng là trung tâm xuất khẩu và buôn lậu sang Triều Tiên, thế nên chính phủ nước này đã tăng cường các cuộc tuần tra trong khu vực, đẩy hoạt động xa hơn về phía nam tới các cảng như Liên Vân Cảng và Nam Thông ở tỉnh Giang Tô.
Theo Choi Jang-ho, Trưởng nhóm Hợp tác Quốc tế về Thống nhất Hàn Quốc tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, nền kinh tế của Triều Tiên không thể hoạt động nếu không có nhập khẩu và đất nước này phải phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại.
Ông Choi cho rằng: “Triều Tiên phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu không chỉ nguyên liệu cho hóa dầu mà còn cả các sản phẩm thép, nguồn cung cấp thực phẩm cơ bản như dầu đậu nành, đường, bột mì, chất bán dẫn và các phương tiện giao thông như ô tô và tàu hỏa.
“Nếu tình hình Covid của Triều Tiên xấu đi, thương mại với Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục bị hạn chế và trong trường hợp này thiệt hại đáng kể đối với Triều Tiên”, ông nói.
Trong tháng 5, ngoài đậu nành, Trung Quốc còn xuất khẩu các mặt hàng hàng đầu sang Triều Tiên bao gồm 2,64 triệu USD đường cát, 1,49 triệu USD khô đậu tương và 846.598 USD bột mì.
Mặc dù vấn đề mất an ninh lương thực đang ngày càng gia tăng đối với Triều Tiên, nhưng đây không phải là vấn đề cấp bách duy nhất của đất nước.
Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA, quốc gia 26 triệu dân đã ghi nhận 18.820 trường hợp “sốt” mới hôm thứ Hai (20/6), với số ca nhiễm trùng hàng ngày tiếp tục giảm và không có trường hợp tử vong mới nào được báo cáo.
Triều Tiên chỉ thừa nhận đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên vào ngày 12/5. Hơn 4,6 triệu người có triệu chứng sốt kể từ đó, nhưng không tiết lộ có bao nhiêu bệnh nhân trong số đó có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Bên cạnh đó, vào tháng 5, nước này không nhập khẩu vật tư y tế liên quan đến Covid từ Trung Quốc sau khi mua một số lượng lớn máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, khẩu trang, quần áo bảo hộ và nhiệt kế trong 4 tháng đầu năm nay.
Trong tháng 5, xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đạt 5,8 triệu USD, tăng 36,5% so với tháng 4. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là điện và sắt silic.
Lê Na (Theo SCMP)