Lo ngại tỷ lệ trẻ tiêm vaccine phòng sởi thấp

Nhằm ngăn dịch sởi bùng phát rộng, Bộ Y tế đặt mục tiêu 95% trẻ tiêm đủ mũi vaccine.

Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em tại TPHCM. Ảnh: Thùy Dương.

Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em tại TPHCM. Ảnh: Thùy Dương.

Số ca mắc sởi tăng cao

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó tại TPHCM ghi nhận hơn 500 ca mắc. Trước đó, vào ngày 27/8, Chủ tịch UBND TPHCM đã công bố dịch bệnh truyền nhiễm sởi quy mô toàn thành phố. UBND TPHCM cũng công bố các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ghi nhận cho thấy, qua 5 ngày triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ trên địa bàn TPHCM, đến nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine vẫn khá thấp. Đáng lo hơn, hiện số lượng trẻ rà soát trên thực tế thấp hơn nhiều so với trẻ có tên trên Hệ thống tiêm chủng quốc gia. Điều này gây nên lo ngại về tỷ lệ bao phủ vaccine thực trong cộng đồng vẫn còn nhiều khoảng trống.

Theo cáo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính đến trước ngày khai giảng năm học mới, trên địa bàn thành phố ghi nhận 541 ca sởi, trong đó có 3 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca mắc sởi mới tăng mạnh từng ngày, đặc biệt tăng nhanh ở nhóm trẻ từ 9 tháng đến 5 tuổi (chiếm 48%) và 74% trẻ mắc bệnh chưa tiêm chủng vaccine đầy đủ. Hiện tại, số ca mắc sởi xuất hiện ở 22 quận huyện và TP Thủ Đức, riêng huyện Bình Chánh và quận Bình Tân đang có số ca mắc sởi cao nhất.

Sau khi UBND TPHCM công bố dịch sởi trên địa bàn, bắt đầu từ ngày 31/8 đến nay, thành phố đã triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ và các đối tượng nguy cơ nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong. Địa phương có số mũi tiêm cao nhất là huyện Bình Chánh đạt 59,3%, địa phương thấp nhất là huyện Cần Giờ mới chỉ đạt 9,3%. Trong số 22 quận, huyện, thành phố, có đến 18 đơn vị chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng 50%.

Để đẩy nhanh Chiến dịch, HCDC yêu cầu các địa phương tích cực mời trẻ đã được lập danh sách đến các trạm y tế để tiêm chủng.

Chủ động tiêm vaccine phòng sởi

Thời gian qua, Bộ Y tế đã đánh giá nguy cơ dịch theo bộ công cụ do Tổ chức Y tế thế giới cung cấp và xác định 18 tỉnh, thành phố sẽ tiến hành tiêm vaccine phòng sởi - rubella miễn phí cho các đối tượng. Tại Quyết định 2495/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 sẽ diễn ra trên 18 tỉnh, thành phố với 135 huyện ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; trong đó khu vực miền Bắc có 17 huyện, khu vực miền Trung 17 huyện, còn lại 101 huyện thuộc khu vực miền Nam.

Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi tại các vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi, dịch sởi xảy ra. Mục tiêu cụ thể của chiến dịch là 95% trẻ thuộc nhóm đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm đủ mũi vaccine theo quy định tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra được tiêm 1 mũi vaccine phòng sởi - rubella. Đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP và Nghị định 155/2018/NĐ-CP. Thời gian thực hiện Kế hoạch chống dịch sởi 2024: Quý III-IV ngay sau khi vaccine được cung ứng.

TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, chiến dịch tiêm chủng sởi khác với kế hoạch tiêm bù, tiêm vét đã được thực hiện là đối tượng tiêm chủng được mở rộng. Cụ thể, trước đây chỉ tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Trong chiến dịch này đối tượng tiêm chủng là trẻ từ 1 - 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Chiến dịch tiêm phòng vaccine sởi - rubella triển khai tại các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường và các trường tiểu học, mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ một hoặc nhiều đợt theo cụm huyện/xã tùy vào điều kiện từng địa phương.

Theo Cục Y tế dự phòng, sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều. Do đó, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.

Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm vaccine phòng sởi đầy đủ và đúng lịch để giúp cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu với virus sởi, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và các biến chứng nặng nề, hiệu quả vượt trội đến 98%.

Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động vệ sinh mắt, mũi, họng bằng nước sát khuẩn mỗi ngày. Hạn chế tụ tập nơi đông người, tránh tiếp xúc gần với những người có biểu hiệu mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời không dùng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Giữ vệ sinh không gian sống và bổ sung thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu thấy có các triệu chứng của bệnh sởi (sốt, chảy nước mũi, ho khan, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, phát ban khắp cơ thể), cần nhanh chóng đến các trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Đ.Trân - M.Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lo-ngai-ty-le-tre-tiem-vaccine-phong-soi-thap-10289520.html