Lo ngại vấn đề mất vệ sinh môi trường tại các chợ
Mặc dù công tác quản lý cũng như tuyên truyền được đẩy mạnh nhưng vấn đề vệ sinh môi trường tại các chợ vẫn là một 'nút thắt' cần được tháo gỡ.

Quán ăn sáng hoạt động ngay sát khu vực bán, giết mổ gia cầm, thịt sống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường.
Tại chợ đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương (TP Thanh Hóa), vấn đề vệ sinh môi trường đang đặt ra nhiều lo ngại, đặc biệt là ở khu vực ăn sáng đối diện với các gian hàng bán gia cầm sống và thực phẩm tươi sống. Qua quan sát thực tế cho thấy những quán ăn với bàn ghế xếp sát mép đường, phục vụ thực khách ngay cạnh khu vực buôn bán gia cầm, khiến không gian ăn uống bị ảnh hưởng bởi mùi hôi, khói bụi và đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn từ hoạt động giết mổ gia cầm, thịt sống.
Chỉ cách nhau vài bước chân, một bên là nồi nước sôi bốc hơi nghi ngút, người ăn ngồi sát nhau trên những băng ghế tạm bợ, bên kia là hoạt động giết mổ gia cầm, nước thải được xả thẳng xuống nền chợ, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc... Còn hệ thống thoát nước tại đây hầu như không phát huy tác dụng vì bị tắc nghẽn do rác thải, nước bẩn ứ đọng và bốc mùi hôi thối...
Tương tự, tại chợ thị trấn Rừng Thông, nơi quy tụ trên 200 hộ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ quả, hàng khô, quần áo... Đây là nơi mua bán sầm uất, nhưng cũng là điểm nóng về rác thải. Theo quan sát của phóng viên, mặc dù cơ sở hạ tầng được đầu tư kiên cố, đã có lực lượng thu gom rác thải hoạt động đều đặn, song tình trạng rác vứt bừa bãi vẫn diễn ra khá phổ biến. Rác, túi nilon vứt ngổn ngang; rác được thu gom đúng nơi quy định nhưng do thời gian tập kết dài khiến chất thải bị phân hủy, bốc mùi nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.
Chị Ngô Thị Hồng, một người dân thường xuyên đi chợ, chia sẻ: “Rác thải rất nhiều, từ phế phẩm thực phẩm, rau củ, cho đến nilon, hộp xốp... đều được tập kết chung một chỗ. Điểm tập kết lại đặt ngay gần khu bán thực phẩm tươi sống nên mùi hôi rất khó chịu, ảnh hưởng đến môi trường chung”.
Đáng lo ngại, tại khu bán hàng tươi sống, hoạt động giết mổ vịt, gà tại chỗ chỉ được dội rửa sơ sài khiến nền chợ luôn ẩm ướt, tanh nồng. Nước thải cũng xả trực tiếp xuống cống thoát nước chung, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Ban Quản lý chợ thị trấn Rừng Thông cho biết: “Mỗi ngày chợ phát sinh gần 1 tấn rác. Chúng tôi đã thường xuyên tuyên truyền, vận động tiểu thương phân loại rác và giữ gìn vệ sinh môi trường, song vẫn còn nhiều hộ thiếu ý thức, chưa tuân thủ nghiêm túc quy định về bảo vệ môi trường”.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 265 chợ, trong đó 134 chợ được xây dựng kiên cố, 93 chợ bán kiên cố, còn lại là chợ tạm và nhiều điểm bán hàng tự phát. Dù hệ thống chợ được phân bố rộng khắp nhằm phục vụ nhu cầu mua bán của người dân, nhưng đi kèm với đó là khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được kiểm soát tốt.
Qua khảo sát thực tế tại nhiều chợ từ thành thị đến nông thôn, có thể dễ dàng nhận thấy những hạn chế trong công tác vệ sinh môi trường. Tại các khu vực buôn bán hàng tươi sống như thịt, cá, rau quả - nơi tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao, thì việc thu gom rác thải, xử lý nước thải chưa được tổ chức hiệu quả. Nhiều chợ thiếu hệ thống thu gom rác tập trung, thiếu thùng đựng rác công cộng, biển báo tuyên truyền về bảo vệ môi trường hầu như không có. Đáng nói, nhiều công trình hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng; hệ thống cống thoát nước bị tắc nghẽn do rác thải, khiến nước đọng bẩn sau mỗi trận mưa hoặc do sinh hoạt hằng ngày.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường diễn ra phổ biến tại các chợ dân sinh, khiến việc vệ sinh môi trường trở nên khó khăn. Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận hộ kinh doanh và người dân còn hạn chế, thể hiện qua việc xả rác bừa bãi, đổ rác trực tiếp xuống cống thoát nước, gây tắc nghẽn, ứ đọng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, tại các chợ nông thôn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm càng đáng lo ngại. Thực phẩm chế biến sẵn, thịt cá, bánh trái... được bày bán không che đậy, đặt gần các vũng nước bẩn, rác thải sinh hoạt, tạo điều kiện cho ruồi nhặng sinh sôi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Để khắc phục thực trạng trên, các địa phương cần tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng chợ, đặc biệt là hệ thống xử lý rác và nước thải. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, tiểu thương trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về môi trường. Việc bảo vệ môi trường tại các chợ không chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng, mà cần sự chung tay từ cộng đồng để xây dựng môi trường mua bán văn minh, sạch đẹp, an toàn cho sức khỏe người dân.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lo-ngai-van-de-mat-ve-sinh-moi-truong-tai-cac-cho-246557.htm