Lo ngại về vấn đề an ninh, nhiều quốc gia 'cấm cửa' TikTok
TikTok đang gặp hết khó khăn này tới trở ngại khác khi ngày càng có nhiều quốc gia, cơ quan Chính phủ trên giới 'nói không' hoặc 'cấm cửa' mạng xã hội thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc này do những lo ngại từ nội dung cho tới bảo mật thông tin của người dùng, đặc biệt là vấn đề an ninh.
Thi nhau “cấm cửa” TikTok
Trong diễn biến mới và mạnh tay, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu xóa bỏ ứng dụng TikTok trên các thiết bị phục vụ công việc. Ngày 27-2, Giám đốc Văn phòng Quản lý ngân sách của Nhà Trắng Shalanda Young cho biết, các cơ quan Chính phủ Mỹ có thời hạn 30 ngày để gỡ bỏ ứng dụng chia sẻ video mạng xã hội TikTok trên toàn bộ các thiết bị do chính phủ quản lý và trên hệ thống liên bang.
Quan chức đứng đầu Văn phòng Quản lý ngân sách của Nhà Trắng yêu cầu, cơ quan chính phủ làm việc với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo an toàn cho dữ liệu của Mỹ bằng cách gỡ bỏ ứng dụng TikTok trên các thiết bị và hệ thống phục vụ công việc. Quyết định “cấm cửa” TikTok được Nhà Trắng đưa ra nhằm đảm bảo an ninh thông tin của Chính phủ Mỹ sau một đánh giá nội bộ cho thấy các phương pháp thu thập dữ liệu của TikTok có thể khiến người dùng dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng.
Ngay sau đó, ngày 28-2, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã đưa ra thảo luận, xem xét thông qua một dự luật trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm TikTok trên toàn bộ các thiết bị của Mỹ. Theo Forbes, nếu dự luật được thông qua, chính quyền Tổng thống Biden có thể cấm TikTok cũng như bất kỳ ứng dụng phần mềm nào đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Washington cũng có thể có một lựa chọn khác là buộc TikTok bán lại toàn bộ hoạt động cho các công ty Mỹ.
Trước chính quyền Mỹ, Quốc hội Mỹ vào cuối tháng 12-2022 đã thông qua “Đạo luật không TikTok trên các thiết bị của chính phủ”. Tuy nhiên, TikTok, theo đạo luật, vẫn chưa bị “cấm cửa” hoàn toàn khi cho phép sử dụng mạng xã hội này trong một số trường hợp nhất định, bao gồm phục vụ mục đích nghiên cứu, an ninh quốc gia và thực thi pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp đạo luật đưa ra Thượng viện được thông qua, mạng xã hội TikTok thuộc sở hữu của một doanh nghiệp Trung Quốc xem như “gặp hạn” lớn trên đất Mỹ.
Đáng chú ý, cùng ngày quyết định của Chính phủ Mỹ, Chính phủ Canada ngày 27-2 cũng đã tuyên bố cấm tải phần mềm mạng xã hội TikTok của Trung Quốc vào các thiết bị do chính phủ quản lý và lệnh này có hiệu lực từ ngày 28-2. Quyết định này được đưa ra nhằm đảm bảo an ninh thông tin của chính phủ bởi lo ngại về các vấn đề thu thập dữ diệu, bảo mật, an ninh mạng. Cùng với quyết định cấm cài đặt ứng dụng TikTok, các cơ quan quản lý quyền riêng tư cấp tỉnh bang và liên bang của Canada cũng đang phối hợp điều tra ứng dụng trước những lo ngại về việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân của nền tảng này.
Thời gian qua, không chỉ có Mỹ và Canada, nhiều nước trên thế giới cũng đang xem xét kỹ lưỡng các hoạt động của TikTok, mạng xã hội thuộc sở hữu của Công ty ByteDance Ltd (Trung Quốc), do lo ngại ứng dụng này có thể đang thu thập dữ liệu người dùng và sử dụng chúng một cách trái phép. Cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) là Ủy ban châu Âu (EC) vào ngày 23-2 vừa qua đã cấm các nhân viên cài đặt TikTok trên các thiết bị mà họ sử dụng do quan ngại tính bảo mật dữ liệu trong bối cảnh EU đang nỗ lực tăng cường an ninh mạng của khối. Theo lệnh cấm, nhân viên của EC cũng không được phép sử dụng TikTok trên các thiết bị cá nhân, trong đó có điện thoại di động đã cài đặt các ứng dụng đàm thoại của EU.
Ngoài ra, EC yêu cầu các nhân viên của ủy ban này phải xóa ứng dụng TikTok càng sớm càng tốt và khuyến nghị thời điểm phù hợp nhất là từ nay đến ngày 15-3. Người phát ngôn của EC Sonya Gospodinova nhấn mạnh, quyết định trên được đưa ra vì lý do an ninh và lệnh cấm nhằm ngăn chặn nguy cơ lợi dụng các kẽ hở an ninh mạng để tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính và môi trường làm việc của ủy ban này.
Cảnh báo về thu thập dữ liệu người dùng
TikTok là dịch vụ lưu trữ video dạng ngắn trên mạng xã hội thuộc sở hữu của Công ty ByteDance Ltd.. Nền tảng xuyên biên giới ra đời năm 2016 này cho phép các tài khoản chia sẻ các video ngắn. Nội dung ban đầu của nó chủ yếu là hát nhép, nhảy theo hoặc ghi âm với các hình dán lạ mắt và các hiệu ứng khác. Vì vậy, ứng dụng TikTok đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, đến hiện tại nền tảng vẫn chưa hấp dẫn người lớn tuổi.
Dù “sinh sau đẻ muộn” hơn nhiều so với các “ông lớn” mạng xã hội xuyên biên giới khác như Facebook, Google, Twitter… nhưng Tiktok đã lớn mạnh rất nhanh. Theo số liệu của cơ quan đánh giá thị trường We Are Social, với hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày, TikTok hiện là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 trên thế giới.
Có phần tụt hậu so với bộ ba nền tảng trực tuyến thống trị lâu nay của Công ty Meta gồm Facebook, WhatsApp và Instagram, song bù lại tốc độ tăng trưởng về người dùng là giới trẻ của TikTok vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Theo Wallaroo, gần 30% số người dùng TikTok trong độ tuổi từ 10-19. Sự gia tăng nhanh chóng về lượng người dùng đã giúp TikTok thu về hơn 11 tỷ USD doanh thu quảng cáo vào năm 2022, tức tăng tới gấp 3 lần trong vòng một năm.
Cũng như các mạng xã hội khác TikTok được cho là quét dữ liệu người dùng, trong đó có cả quyền truy cập vào danh bạ người dùng, xem qua tất cả những địa chỉ liên hệ của người dùng, kể cả những người này có trên TikTok hay không và họ đồng ý hay không. Tuy nhiên, không ai biết TikTok làm gì với những dữ liệu thu được từ người dùng. Ngoài các lo ngại về bảo mật dữ liệu người dùng, an ninh… TikTok còn bị cáo buộc thường xuyên truyền bá thông tin xấu độc, như tin giả, các nội dung khiêu dâm hay những thử thách có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người chơi.
Một phân tích chi tiết của các chuyên gia về bảo mật cho thấy mạng xã hội TikTok đang khai thác dữ liệu cá nhân của người dùng trên quy mô lớn. Theo đó, khi tiến hành kiểm tra mã nguồn của ứng dụng TikTok dành cho 2 hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Android và iOS, phát hiện ra rằng khi sử dụng ứng dụng mạng xã hội này, người dùng đã cấp cho TikTok nhiều quyền truy cập vào các quyền riêng tư hơn so với yêu cầu dành cho các video mà họ tải lên. Theo các chuyên gia, TikTok lấy dữ liệu từ điện thoại mà không cần phải mở ứng dụng, bằng cách theo dõi hoạt động của điện thoại thông qua số điện thoại đăng ký, đồng thời truy cập vào danh bạ và lịch sử cuộc gọi.
TikTok cũng tìm được số IMEI của điện thoại, thẻ SIM hoặc danh sách các tài khoản đã thiết lập, đồng thời lưu được nội dung trong bộ nhớ tạm để sao chép văn bản, qua đó có thể đánh cắp được mật khẩu của các tài khoản khác nhau được lưu trữ trong quá trình quản lý mật khẩu. Ngoài ra, ứng dụng này còn truy cập vào lịch sử cuộc gọi, danh bạ và các mục lưu trữ trong điện thoại người dùng.
Mặc dù tất cả các ứng dụng mạng xã hội khác cũng lấy dữ liệu tương tự của người dùng, song vấn đề mà nhiều nước lo ngại là TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc. Đã có cảnh báo rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể buộc công ty chủ sở hữu của TikTok là Byte Dance chia sẻ dữ liệu thu thập được về người dùng. Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray từng cảnh báo, FBI “cực kỳ lo ngại” về các rủi ro bảo mật liên quan đến TikTok do “những lo ngại về an ninh quốc gia, bao gồm khả năng Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng.