Lô nước mắm truyền thống Phan Thiết chính thức lên kệ siêu thị Mỹ
Lô nước mắm truyền thống từ Phan Thiết vừa xuất khẩu lần đầu sang Mỹ, giá tương đương 170.000-340.000 đồng mỗi chai 500 ml.
Trong lô hàng lần này của Làng Chài Xưa, ngoài sản phẩm truyền thống sản xuất từ cá cơm còn có dòng nước mắm chay Làng Chài Xưa "3 trong 1", ủ từ trái thơm, cốt đậu nành và nấm ngọt Shiitake Nhật Bản.
Ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH SEAGULL, cho biết lô nước mắm "Làng chài xưa" đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ qua CTWS Group, một công ty nhập khẩu và phân phối đặc sản Việt Nam. Sau hai năm hoàn thiện pháp lý, sản phẩm đã lên kệ siêu thị, chợ Việt tại Mỹ giữa tháng này, với giá từ 6,49 đến 13,59 USD (167.000-340.000 đồng) mỗi chai 500 ml.
Lô hàng đầu tiên xuất sang Mỹ gồm ba loại nước mắm, đóng trong container 20 feet. Trong đó, nước mắm chay được ủ từ trái thơm, đậu nành và nấm Shiitake Nhật Bản. Nước mắm cá cơm vàng ruột đỏ được ủ từ cá cơm vàng, chỉ được khai thác vào tháng 7 và 8.
Bà Dziễm Chinh, nhà sáng lập CTWS Group, kỳ vọng sản phẩm nước mắm chay sẽ được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng, nhất là trong bối cảnh thị trường nước mắm công nghiệp của Thái Lan và Hong Kong đang chiếm ưu thế.
Được biết, "Làng chài xưa" là thương hiệu nước mắm ở Phan Thiết, gắn liền với nỗ lực khôi phục truyền thống nước mắm Phan Thiết 300 năm của Tiến sĩ Trần Ngọc Dũng, một người con của quê hương này. Ông làm dự án "Làng chài xưa" với số vốn đầu tư ban đầu 100 tỷ đồng. Dự án này đã được công chúng biết đến rộng rãi sau khi tham gia chương trình Shark Tank vào năm 2019. Hiện tại, "Làng chài xưa" sản xuất khoảng 1 triệu lít nước mắm chất lượng cao mỗi năm và đang hướng đến mục tiêu tăng sản lượng lên 2 triệu lít. Sau Mỹ, công ty dự kiến mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu, Australia và Nhật Bản vào năm 2025.
Theo Hải quan Việt Nam, nước mắm chủ yếu xuất khẩu sang châu Á, châu Âu, Australia và Mỹ, với kim ngạch 23-28 triệu USD mỗi năm.
Ông Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng để nước mắm Việt Nam tiếp tục vươn xa, cần tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe của từng thị trường. Chẳng hạn, Mỹ yêu cầu tuân thủ quy định của FDA và HACCP, EU kiểm soát chặt chẽ histamine, trong khi Nhật Bản, Trung Quốc, và Hàn Quốc cũng đòi hỏi cao về chất lượng và giấy phép an toàn. Ngoài ra, các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt về chống khai thác cá bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU).