Lo tàu mắc cạn khi vào cảng Phan Thiết

Tàu thuyền lưu thông trên sông Cà Ty ở cửa biển Phan Thiết (Bình Thuận) gặp nhiều khó khăn, việc nạo vét luồng lạch lại đang bế tắc do chưa tìm được bãi đổ thải.

Ra vào phải đợi thủy triều

Đầu tháng 6, PV Báo Giao thông có mặt tại cảng vận tải Phan Thiết, thời điểm này thủy triều đang xuống. Vài chiếc tàu cao tốc chở khách và hàng trăm tàu cá neo đậu dọc bến sông Cà Ty chờ thủy triều lên để ra khơi.

Cửa sông Cà Ty bị bồi lắng nghiêm trọng, ảnh hưởng tàu ra vào cảng Phan Thiết.

Trước bến cảng Phan Thiết, có thể thấy một doi cát kéo dài hàng trăm mét ở cuối sông. Đó là lớp cát nhiều năm qua bồi lắng, tích tụ thành bãi ngày càng nhô cao và kéo dài trước khu vực cảng.

Theo ngư dân, mỗi khi ra khơi, các loại tàu phải chờ đợi thủy triều lên, không dám mạo hiểm vì lo ngại hư hỏng tàu, gãy chân vịt khi luồng lạch quá cạn.

Với tàu cao tốc chở khách, khi khởi hành còn phải tốn kém thêm phí thuê tàu lai dắt. Tuyến vận tải khách Phan Thiết - Phú Quý hiện có 5 tàu cao tốc đang hoạt động. Trong đó, các tàu cao tốc Phú Quý Express, Phú Quý Island đều có tải trọng lớn, sức chở hàng trăm khách mỗi chuyến.

Đại diện các hãng tàu cao tốc chạy tuyến Phan Thiết – Phú Quý cho biết, lịch trình xuất bến của các tàu khách, tàu hàng tuyến đảo Phan Thiết - Phú Quý và ngược lại hoàn toàn phụ thuộc vào thủy triều, muốn xuất bến nhanh cũng không được. Trong đó, nguyên nhân chính do luồng hàng hải ở cửa sông Cà Ty bị bồi lắng chưa được kịp thời nạo vét.

Thuyền trưởng Cao Thanh Bình của tàu Tuần Châu Express 2 cho biết, tình trạng bồi lắng ngày càng nghiêm trọng, nếu không được khơi thông, luồng cạn sắp tới khó có thể đảm bảo an toàn chạy tàu.

Nơm nớp lo tàu mắc cạn

Hiện luồng khi cạn chỉ còn sâu khoảng 1,5m, dù phải chờ thủy triều và thuê tàu lai dắt nhưng vẫn nơm nớp lo mắc cạn. "Chúng tôi rất lo bị hỏng chân vịt khi tiếp xúc bãi cạn. Các cồn cát ngày càng phình to và bồi lắng diễn biến khó lường, rất nguy hiểm cho tàu", thuyền trưởng Thanh Bình nói.

Tình trạng bồi lắng diễn biến khó lường, đe dọa an toàn chạy tàu tuyến Phan Thiết - Phú Quý.

Ông Đinh Viết Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH Cảng Thương Chánh (đơn vị quản lý Cảng vận tải Phan Thiết) cho rằng, nguyên nhân chính bồi lắng là do vào mỗi mùa mưa lượng bùn từ thượng nguồn đổ xuống ứ lại ở cửa sông Cà Ty. Tình trạng trên ngày càng nghiêm trọng.

Cũng theo ông Đinh Viết Cường, năm 2020, tuyến luồng cho tàu biển 1.000 DWT đã được Cục Hàng hải Việt Nam (đơn vị quản lý tuyến luồng) tổ chức nạo vét. Tuy nhiên, sau đó không được nạo vét thường xuyên nên vẫn bị bồi lắng cho đến nay. Quá trình nạo vét cũng bị tắc bởi bùn thải được nạo vét đưa lên lại không có bãi đổ thải.

"Đến năm 2021, bến cảng đã phải chi hơn 2 tỷ đồng nạo vét luồng trước bến để tàu neo đậu. Theo quy định hiện hành, cát, bùn, tạp chất dưới sông, suối đều là khoáng sản. Khi nạo vét, muốn vận chuyển đi nơi khác, phải có bãi đổ thải và đấu giá. Trong khi đó, bùn lỏng, tạp chất và rác không ai mua để đấu giá, dẫn đến kẹt đầu ra nên việc nạo vét bị tắc", ông Cường nói.

Khó nạo vét vì không có chỗ đổ thải

Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Thuận, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận xác nhận, nếu công tác nạo vét không được triển khai, thời gian tới, tàu thuyền hoạt động trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Phú Quý có thể bị ngừng hoạt động khai thác.

Ngư dân phản ánh việc bồi lắng luồng lạch gây nguy hiểm cho việc tàu, thuyền ra khơi. (Trong ảnh: tàu, thuyền neo đậu tại cảng cá Phan Thiết). Ảnh: Vĩnh Phú.

"Kinh phí triển khai dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải đã có. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa thể triển khai do đang chờ giới thiệu vị trí khu vực bãi chứa sau nạo vét của UBND tỉnh Bình Thuận", ông Thuận cho hay.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc nạo vét, xử lý bồi lấp luồng lạch cửa sông, cửa biển, khu neo đậu, cảng cá đang rất cấp bách, cử tri nhiều địa phương đã bức xúc phản ánh. Để giải quyết xử lý bồi lấp, nạo vét luồng lạch, khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá trên địa bàn tỉnh, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rà soát từng cửa sông, cửa biển có tàu thuyền đề xuất các giải pháp căn cơ, có cơ chế phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu giới thiệu và chấp thuận các vị trí đổ chất nạo vét theo kiến nghị của Cục Hàng hải Việt Nam để làm cơ sở phê duyệt kế hoạch nạo vét duy tu luồng hàng hải Phan Thiết trong năm 2024

Để nắm thông tin liên quan việc quy hoạch các bãi đổ thải phục vụ việc nạo vét luồng tại luồng vận tải Phan Thiết – Phú Quý bị bồi lắng, PV Báo Giao thông đã liên hệ lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

Tỉnh Bình Thuận hiện có 8 cửa sông, cửa biển có tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân đều bị bồi lắng nghiêm trọng gồm: cửa Liên Hương, cửa Phan Rí (huyện Tuy Phong), cửa Phú Hải, cửa Cà Ty (Phan Thiết), cửa Ba Đăng, cửa La Gi (thị xã La Gi), cửa Hồ Lân, cửa Hà Lãng (huyện Hàm Tân).

Trong số này, có 5 cửa đã đầu tư xây dựng cảng cá, khu neo đậu trú bão cho tàu cá. Điểm chung các cửa sông đều bồi lắng.

Vĩnh Phú

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lo-tau-mac-can-khi-vao-cang-phan-thiet-192240617234232955.htm