Lo thịt lợn phục vụ Tết

Trong bối cảnh giá thịt lợn không ngừng tăng, các ngành chức năng cần sớm có những giải pháp để bảo đảm nguồn cung cho thị trường Tết.

Nguồn cung thịt lợn trong tỉnh chủ yếu từ các tỉnh miền Nam

Nguồn cung thịt lợn trong tỉnh chủ yếu từ các tỉnh miền Nam

Tết Canh Tý 2020 đang đến gần, nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng tăng, nhất là thịt lợn. Trong bối cảnh giá thịt lợn không ngừng tăng, các ngành chức năng cần sớm có những giải pháp để bảo đảm nguồn cung cho thị trường Tết.

Khan hiếm

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế đối với cả Nhà nước và người chăn nuôi. Chỉ trong hơn 8tháng xảy ra dịch bệnh, lực lượng chức năng của tỉnh phải tiêu hủy 391.826 con lợn với trọng lượng hơn 23.331 tấn. Đến giữa tháng 12, DTLCP đã được khống chế nhưng tổng đàn lợn của tỉnh đã sụt giảm từ 658.000con xuống còn 220.000 con. Cuộc khủng hoảng nguồn cung đã đẩy giá lợn hơi lên cao nhất từ trước đến nay. Giá lợn hơi tăng đến hơn 90.000 đồng/kg đồng nghĩa với giá thịt lợn ngoài chợ cũng tăng theo. Hiện giá thịt lợn bán lẻ ở các chợ từ 150.000-180.000đồng/kg, tăng 50.000 - 60.000 đồng/kg so với 2 tháng trước.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở chợ Hóp, xã Nam Hồng (Nam Sách) cho biết: "Trước đây, mỗi ngày gia đình tôi thịt 1 con lợn và dễ dàng bán hết trong ngày, nhưng hiện nay giá thịt lợn tăng cao nên người dân chuyển sang mua các thực phẩm khác thay thế. Mặc dù nguồn cung lợn khan hiếm nhưng mức tiêu thụ lại chậm hơn nhiều so với trước". Cũng theo chị Hoa, trước khi xảy ra DTLCP, tìm mua lợn trong dân rất dễ nhưng nay rất khó do phần lớn lợn đã bị tiêu hủy. Hiện chỉ những trang trại lớn mới còn lợn để bán nhưng những trang trại này không bán lợn nhỏ lẻ cho các thương lái. Vì vậy, thay vì tự mua lợn về mổ như trước, chị phải lấy thịt từ các lò mổ rồi đem ra chợ bán.

Bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: "Nguồn lợn trong tỉnh đang khan hiếm chứ không có tình trạng các trang trại găm hàng hay thương lái đẩy giá lợn lên cao. Các trang trại trong tỉnh lại chủ yếu xuất lợn đi thị trường Trung Quốc vì giá cao hơn. Cùng với đó, họ xuất đi các tỉnh, thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh... Hiện nguồn thịt lợn trong tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào việc nhập lợn ở các tỉnh khác".

Siêu thị Intimex có kế hoạch nhập thịt lợn tươi sống của doanh nghiệp ở Hưng Yên để phục vụ thị trường Tết Canh Tý

Siêu thị Intimex có kế hoạch nhập thịt lợn tươi sống của doanh nghiệp ở Hưng Yên để phục vụ thị trường Tết Canh Tý

Nhập lợn từ các tỉnh khác

Theo bà Vũ Thị Chinh, Giám đốc điều hành Cơ sở Giết mổ gia súc, gia cầm ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương), vào thời điểm này của những năm trước, mỗi ngày cơ sở giết mổ từ 200 - 300 con lợn thì nay chỉ còn chưa đầy 100 con. "Nếu trước đây, nhiều tiểu thương đặt cọc mua lợn trong dân hoặc bắt lợn về nuôi để tích trữ chuẩn bị cho Tết thì nay không còn cảnh này. Giá lợn hơi đang tăng từng ngày nên không chủ trang trại, gia trại nào đồng ý bán theo kiểu đặt cọc. Còn nếu bắt về nuôi tích trữ thì nguy cơ bị nhiễm DTLCP rất cao do chuồng trại chỉ mang tính tạm bợ, không bảo đảm điều kiện vệ sinh. Hiện nay, nguồn thịt lợn chủ yếu do các thương lái nhập về từ miền Nam vì giá ở khu vực này vẫn thấp hơn từ 2.000- 3.000 đồng/kg so với các tỉnh ở khu vực phía Bắc", bà Chinh nói.

Các siêu thị như Big C, Intimex Hải Dương cũng đã có kế hoạch nhập thịt lợn phục vụ Tết nhưng do mặt hàng này vẫn được tiêu thụ chủ yếu ở các chợ truyền thống nên các siêu thị sẽ không nhập nhiều. Theo đại diện siêu thị Intimex Hải Dương, đơn vị có kế hoạch nhập thịt lợn tăng gấp đôi so với ngày thường nhưng số lượng cũng chỉ dừng lại ở mức từ 40 - 50 kg/ngày.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Canh Tý 2020. Để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, đặc biệt bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường Tết, các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cần tăng cường thu mua, giết mổ, cấp đông dự trữ các sản phẩm thịt lợn an toàn được cơ quan thú y xác nhận; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, làm tăng giá đột biến trong dịp Tết. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tỉnh cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là kiểm soát giá bán mặt hàng này.

Tỉnh cần có kế hoạch nhập thịt lợn từ các tỉnh, thành phố khác để cung cấp cho nhu cầu của nhân dân, ổn định giá cả thị trường Tết...

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/thi-truong/lo-thit-lon-phuc-vu-tet-124159