Lo thuế quan của Mỹ, Thái Lan ký thỏa thuận thương mại với 4 nước châu Âu

Sau gần 20 năm đàm phán, Thái Lan ký hiệp định thương mại đầu tiên với 4 quốc gia châu Âu, trong bối cảnh mối đe dọa thuế quan từ Mỹ gia tăng khi ông Donald Trump trở lại làm tổng thống...

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra và các quốc gia thành viên Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu ký thỏa thuận thương mại vào ngày 23/1/2025 sau gần 2 thập kỷ - Ảnh: Reuters/Nikkei Asia

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra và các quốc gia thành viên Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu ký thỏa thuận thương mại vào ngày 23/1/2025 sau gần 2 thập kỷ - Ảnh: Reuters/Nikkei Asia

Thỏa thuận được Thủ tướng Thái Lan và lãnh đạo 4 quốc gia Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ - được gọi chung là Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) - ký kết tại Davos, Thụy Sỹ ngày 23/1.

Năm 2023, EFTA nhập khẩu 1,8 tỷ USD hàng hóa từ Thái Lan và xuất khẩu 1,4 tỷ USD sang quốc gia châu Á này. Trong đó, Thụy Sỹ là đối tác thương mại lớn thứ 14 của Thái Lan.

Thỏa thuận trên bắt đầu được đàm phán vào tháng 10/2005 và hoàn tất vào tháng 11/2024. Hai cuộc đảo chính tại Thái Lan vào năm 2006 và 2014 đã làm gián đoạn tiến trình đàm phán. Tới tháng 6/2022, sau khi các cuộc bầu cử thường lệ được khôi phục tại Thái Lan, tiến trình đàm phán này mới được tái khởi động.

Theo thỏa thuận, Thái Lan và EFTA sẽ xóa bỏ hoặc giảm thuế quan với các sản phẩm công nghiệp và hải sản của nhau. Hai bên cũng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thương mại với thủ tục hành chính nhanh chóng và quy định minh bạch.

Chính phủ Thái Lan hy vọng thỏa thuận với EFTA sẽ giúp nước này mở rộng thị trường xuất khẩu và đóng vai trò như một “bộ đệm” chống lại các bất ổn thương mại, đặc biệt là rào cản thương mại từ chính quyền mới của ông Trump và leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Ông Trump trước đó tuyên bố sẽ áp thuế quan với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ để cân bằng lại phần thặng dư thương mại mà nhiều nước như Trung Quốc, Mexico, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đang được hưởng. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là nước có thặng dư thương mại lớn thứ 10 với Mỹ, còn Việt Nam đứng thứ 4.

Ngoài điều kiện xuất khẩu thuận lợi dành cho các quốc gia phương Tây phát triển, Bộ Thương mại Thái Lan cũng hướng tới thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào nước này qua các thỏa thuận thương mại tự do. Các nước EFTA nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan các mặt hàng như máy móc sản xuất hàng điện tử, thiết bị cơ khí, ô tô, sản phẩm kim loại sắt, linh kiện đồng hồ và đồng hồ.

“Chúng tôi đang đi sau Việt Nam về các thỏa thuận thương mại tự do”, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan cho biết. “Chúng tôi cần thay đổi về mặt cấu trúc để xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm công nghệ cao, nhưng để làm vậy, chúng tôi cần vốn đầu tư”.

Hiện Bangkok cũng đang đàm phán hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Bhutan và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Ngoài ra, nước này cũng đang đàm phán thỏa thuận với Canada với cách thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Được tiếp cận tự do thị trường của 27 nước thành viên EU với một hiệp định thương mại tự do sẽ là một lợi thế lớn với Thái Lan. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đàm phán, hai bên vẫn chưa đạt được tìm được tiếng nói chung. Các cuộc đàm phán được nối lại vào năm 2023 sau khi bị tạm dừng gần một thập kỷ do cuộc đảo chính năm 2014. Trong thời gian tạm dừng đó, phía Thái Lan được cho là đã chậm trễ trong việc đưa ra các tiêu chuẩn mới trong thỏa thuận thương mại mà các nước phát triển đang áp dụng, cụ thể là các vấn đề như mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, bảo vệ lao động và nhân quyền.

Trong khi đó, thỏa thuận thương mại giữa ASEAN và Canada dự kiến sẽ đi đến kết luận trong năm nay.

Sau khi lên nhậm chức hôm 20/1, ông Trump thông báo sẽ bắt đầu áp thuế quan 25% với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada từ ngày 1/2, bất chấp hiệp định thương mại tự do ba bên ký kết năm 2020 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Thái Lan hiện có 15 hiệp định thương mại với 19 quốc gia, bao gồm 6 hiệp định song phương, 7 hiệp định với tư cách thành viên ASEAN, một thỏa thuận trong nội bộ ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trong khi đó, Việt Nam có 16 hiệp định với 45 quốc gia, bao gồm EU từ năm 2020 và Anh từ năm 2021. Do đó, không giống các đối thủ Thái Lan, các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam không phải chịu thuế 140 euro/tấn khi xuất hàng vào EU.

Mỹ hiện chiếm khoảng 50% xuất khẩu gạo cao cấp của Thái Lan, tương đương 500.000 tấn mỗi năm. Theo các chuyên gia, các mặt hàng xuất khẩu giá trị cao – nhóm thu hút phần lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thái Lan – là nhóm dễ chịu tổn thương trước thuế quan của ông Trump.

Bộ Thương mại nước này gần đây đã công bố 29 nhóm sản phẩm có nguy cơ bị chính quyền Trump áp thuế quan, gồm máy tính, linh kiện máy tính, điện thoại di động, linh kiện điện tử, tấm pin mặt trời… Danh sách này cũng bao gồm một số sản phẩm thực phẩm chế biến như cá tươi, cá đông lạnh. Những mặt hàng này nằm trong diện nguy cơ bởi trong giai đoạn từ 2018-2023, thặng dư thương mại của Thái Lan với Mỹ tăng lên đáng kể.

“Mỹ cũng đang để mắt tới các quốc gia nơi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mở cơ sở sản xuất để tránh chiến tranh thương mại và tránh thuế quan của Washington”, Bộ Thương mại Thái Lan nhận định.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lo-thue-quan-cua-my-thai-lan-ky-thoa-thuan-thuong-mai-voi-4-nuoc-chau-au.htm