Lô tiêm kích F-16 Block 70 đầu tiên do Mỹ sản xuất đến châu Âu

Hãng Lockheed Martin của Mỹ đã báo hiệu một chương mới trong lĩnh vực phòng không của châu Âu khi họ bàn giao những máy bay chiến đấu đa năng F-16 Block 70 đầu tiên tại Slovakia vào ngày 22/7/2024.

Cho đến nay, Slovakia đã nhận được 5 chiếc F-16 Block 70 trong khi 9 chiếc khác đang trong quá trình sản xuất. Tất cả các đơn vị dự kiến sẽ được chuyển giao cho không quân Slovakia vào cuối năm 2025.

“Slovakia dẫn đầu trong việc áp dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 tiên tiến nhất của châu Âu đó chính là phiên bản F-16 Block 70”, ông OJ Sanchez, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc bộ phận Integrated Fighter Group của Lockheed Martin, bình luận.

"Những chiếc F-16 Block 70 không chỉ củng cố liên minh giữa Slovakia, Hoa Kỳ và NATO mà còn trang bị cho không quân Slovakia những khả năng tiên tiến cần thiết cho các thách thức an ninh của thế kỷ 21”, ông OJ Sanchez nói thêm.

Được biết, Slovakia đã ký hợp đồng vào năm 2018 để mua 14 máy bay F-16 Block 70 cùng với thiết bị vũ khí kèm theo với giá khoảng 1,6 tỷ euro.

Vào tháng 9 năm 2023, Lockheed Martin thông báo rằng máy bay chiến đấu F-16 Block 70 đầu tiên cho Slovakia đã được sản xuất.

Việc giao hàng chính thức 2 chiếc F-16 Block 70 đầu tiên diễn ra vào tháng 1/2024, nhưng chúng vẫn ở Mỹ để phục vụ mục đích huấn luyện.

Lockheed Martin lưu ý rằng, máy bay chiến đấu F-16 Block 70 được trang bị radar AESA Northrop Grumman APG-83 và hệ thống điện tử hàng không mới nhất, đồng thời tuổi thọ khung máy bay ở mức ấn tượng là 12.000 giờ, cao hơn gấp 4 lần máy bay Su-30/35 của Nga.

Việc có tuổi thọ khung thân lớn là rất quan trọng cho việc bảo trì và nâng cấp giữa vòng đời của những chiến đấu cơ.

Ngoài ra những máy bay này có hệ thống GCAS (hệ thống tránh va chạm tự động), chính nhờ hệ thống này đã cứu được 13 vụ tai nạn, bảo đảm an toàn cho phi công kể từ khi ra mắt vào năm 2014.

Tuần trước, Lockheed Martin đã kỷ niệm một cột mốc quan trọng khi giao chiếc máy bay chiến đấu đa năng F-16 thứ 4.600.

Trong một video phát hành, một trong những phi công hãng sản xuất đã trình bày kinh nghiệm bay của mình trên tất cả các phiên bản F-16, từ Block 10 đến Block 70.

Năm 2024 này cũng đánh dấu kỷ niệm 50 năm chuyến bay đầu tiên của dòng máy bay mang tính biểu tượng F16 của Mỹ.

Mặc dù F-16 đã xuất hiện khá lâu, tuy nhiên hãng sản xuất Lockheed Martin tin rằng máy bay này vẫn có tiềm năng to lớn. Họ tin tưởng rằng việc sản xuất phiên bản Block 70/72 có thể tiếp tục trong thập kỷ tới.

Ông OJ Sanchez, phó chủ tịch chương trình F-16 và F-22, lưu ý rằng hãng Lockheed Martin nhìn thấy "cơ hội rõ ràng" để bán khoảng 300 máy bay F-16 phiên bản Block 70 cho khách hàng.

Sự lạc quan này bắt nguồn từ sự biến động địa chính trị đang diễn ra. Hiện tại, danh mục đơn đặt hàng F-16 Block 70 ở mức khoảng 130 chiếc.

"Chúng tôi sẽ điều chỉnh dây chuyền sản xuất của mình khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu", ông Sanchez tuyên bố.

Ông cũng đề cập đến khả năng tăng sản lượng lên bốn chiếc F-16 mỗi tháng hoặc 48 chiếc mỗi năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

F-16 Block 70 là phiên bản mới nhất và tiên tiến nhất của F-16 Fighting Falcon được General Dynamics phát triển và hiện được Lockheed Martin sản xuất.

Kích thước của F-16 Block 70 bao gồm chiều dài khoảng 15,03 mét, sải cánh 9,96 mét và chiều cao 5,09 mét.

Hệ thống đẩy của F-16 Block 70 được cung cấp năng lượng bởi một động cơ phản lực cánh quạt đốt sau Pratt & Whitney F100-PW-229 hoặc General Electric F110-GE-129.

Động cơ này cung cấp lực đẩy khoảng 29.000 pound, cho phép máy bay đạt tốc độ vượt quá Mach 2 và mang lại hiệu suất tuyệt vời trong cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất.

F-16 Block 70 có hệ thống điều khiển tiên tiến, bao gồm hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số (DFCS) giúp tăng cường khả năng cơ động và ổn định.

DFCS được bổ sung công nghệ fly-by-wire, thay thế các điều khiển bay thủ công truyền thống bằng giao diện điện tử, cải thiện thời gian phản hồi và độ chính xác cho phi cơ khi hoạt động.

Bộ thiết bị điện tử hàng không của F-16 Block 70 là loại hiện đại nhất, bao gồm radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) AN/APG-83 của hãng Northrop Grumman.

Vũ khí của F-16 Block 70 rất linh hoạt, cho phép nó mang theo nhiều loại vũ khí cho các nhiệm vụ khác nhau.

Nó có thể được trang bị tên lửa không đối không như AIM-120 AMRAAM và AIM-9 Sidewinder, cũng như các loại đạn không đối đất bao gồm JDAM, bom dẫn đường bằng laser Paveway và tên lửa AGM-65 Maverick.

Máy bay cũng có một khẩu pháo M61 Vulcan bên trong để giao chiến tầm gần.

Sức mạnh của phiên bản này được cho là đủ sức đối đầu với phiên bản Su-35S xuất khẩu của Nga.

Các nhà phân tích nhận định radar trên F-16 Block 70/72 nhạy và có tầm quét tốt hơn so với Su-35.

Về trang bị vũ khí, tuy F-16 Block 70 có một động cơ nhưng chúng có thể mang vác tới 7,9 tấn vũ khí trong khi Su-35S dù trang bị hai động cơ, to lớn hơn nhưng cũng chỉ có khả năng mang theo 8 tấn vũ khí.

Điểm nội trội nữa là chi phí khai thác của F-16 một động cơ luôn rẻ hơn so với Su-35 hai động cơ.

Hiện F-16 Block 70 chưa bao gồm vũ khí đang được Mỹ chào bán khoảng 80 triệu USD/chiếc, trong khi Su-35S của Nga bán cho Trung Quốc cũng chưa bao gồm vũ khí lại có giá lên tới khoảng 110 triệu USD/chiếc.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lo-tiem-kich-f-16-block-70-dau-tien-do-my-san-xuat-den-chau-au-post583953.antd