Lộ trình chuyển đổi xanh hấp dẫn nhà đầu tư mới đến với Tây Nguyên
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh vùng Tây Nguyên, các tỉnh này cần có lộ trình chuyển đổi xanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bền vững của thị trường và hấp dẫn nhà đầu tư mới.
Ngày 20/9, tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn TUV SUD Việt Nam tổ chức Hội nghị “Lộ trình chuyển đổi phát triển bền vững ESG để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh vùng Tây Nguyên”.
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc ITPC, cho biết, trong bối cảnh hiện tại, khi vùng Tây Nguyên đang phải đối mặt với một số thách thức như việc khai thác tài nguyên không hợp lý, ô nhiễm môi trường và sự thay đổi cân bằng sinh thái, việc chuyển đổi sang một mô hình phát triển dựa trên các nguyên tắc tăng trưởng xanh, môi trường – xã hội – quản trị (ESG) là vô cùng cấp thiết.
Các nguyên tắc ESG cung cấp một khung toàn diện giúp các doanh nghiệp và tổ chức đánh giá và quản lý các tác động của họ đối với môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp, từ đó hướng đến việc phát triển một cách toàn diện hơn.
Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp và tổ chức tại vùng Tây Nguyên tiếp cận với các kiến thức và thông tin mới nhất về phát triển bền vững, đồng thời là một diễn đàn quan trọng để thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về thực hành ESG.
Việc áp dụng các nguyên tắc ESG tại vùng Tây Nguyên không chỉ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý bền vững tài nguyên nước, cải thiện đời sống cộng đồng địa phương, bảo tồn văn hóa truyền thống và thu hút đầu tư.
Ông Đặng Việt Hùng, Chủ Tịch HĐQT Công ty cổ phần Hisol, thông tin, khu vực Tây Nguyên chiếm tới 86% diện tích rừng và 70% trữ lượng nước ngầm của Việt Nam, với dân số gần 6 triệu người, đóng góp 6,1% GDP cả nước, chủ yếu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây là vùng sản xuất cà phê lớn nhất cả nước chiếm 94% sản lượng. Ngoài nông nghiệp, những năm gần đây du lịch và năng lượng là hai lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển.
Mặc dù vậy, Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều vấn đề như tỷ lệ rừng giảm, suy thoái đất và hạn hán ngày càng khắc nghiệt hơn. Vùng này cũng gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển đổi kinh tế và kêu gọi đầu tư do trở ngại về giao thông, chi phí logistics cao hơn vùng khác, thiếu trung tâm phân phối lớn cũng như thiếu chính sách ưu đãi thuế rõ ràng cho đầu tư nông nghiệp và năng lượng tái tạo.
Cùng nhận định, ông Nguyễn Văn Duy, Giám đốc Công ty Tư vấn GMK cho rằng, Tây Nguyên có lợi thế khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp phát triển nông – lâm nghiệp, khai khoáng. Tuy nhiên, khu vực này cũng chứng kiến những tác động kém tích cực từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức và biến đổi khí hậu. Vì vậy, các tỉnh Tây Nguyên cần có lộ trình chuyển đổi xanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bền vững của thị trường và hấp dẫn nhà đầu tư mới.
Cụ thể, cần áp dụng mô hình tái sinh – nông lâm nghiệp tuần hoàn; phát triển chuỗi nhà cung cấp có trách nhiệm; giảm tổn thất sau thu hoạch nông – lâm sản; chống phá rừng, khôi phục đa dạng sinh học. Trong hoạt động bảo quản, chế biến cần tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, gió; sử dụng nguyên liệu đốt sinh khối, giảm hao phí trong chế biến…
Theo ông Nguyễn Văn Duy, có rất nhiều giải pháp được khuyến nghị nhưng chuyển đổi xanh vẫn gặp không ít thách thức do chi phí đầu tư chuyển đổi năng lượng, nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm rất lớn, trong khi doanh nghiệp chủ yếu có quy mô siêu nhỏ.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất tại địa phương có thể lựa chọn phương án chuyển đổi ở quy mô nhỏ, từ cách thay đổi kỹ thuật canh tác, chăn nuôi như tăng che phủ đất, luân canh cây trồng, giảm phân bón hóa học; xử lý, tái chế phụ phẩm sau thu hoạch, chế biến nông – lâm nghiệp.
Song song đó, cần tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và tăng cường liên kết vùng, kết nối với các đối tác chiến lược để biến thách thức thành cơ hội bứt phá.