Lộ trình hiện thực hóa mục tiêu song ngữ trong trường học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Đề án quốc gia 'Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học' giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm đưa tiếng Anh trở thành công cụ giao tiếp, học tập và làm việc phổ biến trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Học sinh Trường tiểu học chất lượng cao Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khám phá văn hóa các nước tại Ngày hội Ngôn ngữ được tổ chức tại trường.
Theo dự thảo Đề án, tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong trường học Việt Nam được hiểu là tiếng Anh được giảng dạy và sử dụng tại các trường học mà ngôn ngữ chính thức là tiếng Việt, trong đó tiếng Anh vừa là môn học, vừa được dùng để giảng dạy các môn học hoặc chuyên ngành phù hợp, đồng thời, được ứng dụng trong giao tiếp và hoạt động hằng ngày trong nhà trường.
Dự thảo Đề án đưa ra 6 cấp độ triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại các nhà trường ở Việt Nam. Đối với giáo dục mầm non, mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, phấn đấu 50% các cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cho trẻ.
Đến năm 2035, triển khai chương trình này cho 100% số trẻ mẫu giáo trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi. Đối với giáo dục phổ thông, đến năm 2030, mục tiêu là 100% số học sinh tiểu học được học chương trình môn tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Đồng thời, 100% các trường phổ thông chất lượng cao và trường chuyên triển khai dạy học song ngữ tiếng Việt-tiếng Anh, bao gồm cả việc giảng dạy các môn học khác bằng tiếng Anh.
Việc sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động thường ngày tại nhà trường cũng được khuyến khích đẩy mạnh. Ở bậc đại học, phấn đấu đến năm 2040, 100% các ngành đào tạo hoàn thành việc xây dựng và triển khai chương trình môn tiếng Anh chuyên ngành; toàn bộ các trường đại học có triển khai giảng dạy một số hợp phần hoặc chuyên ngành bằng tiếng Anh. Đến năm 2045, phấn đấu 100% các trường đại học áp dụng triển khai tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai ở các cấp độ từ 4 đến 6 theo khung định hướng của Đề án.
Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Đỗ Tuấn Minh cho biết: Ngay sau khi Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được ban hành, nhà trường đã nhanh chóng họp bàn và đưa nội dung “từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” vào nghị quyết, quyết định của trường. Đồng thời, Trường đại học Ngoại ngữ cũng đã biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn triển khai, trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm không chỉ của người dạy, người học mà còn của các đối tượng liên quan; hướng dẫn cách lồng ghép tiếng Anh theo từng cấp độ, phù hợp với từng môn học cụ thể.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, cần tiếp cận tiếng Anh như một phần của văn hóa và môi trường học tập trong nhà trường. Việc kế thừa kinh nghiệm từ các đề án đã triển khai trước đây, đồng thời vận dụng linh hoạt theo điều kiện thực tiễn của từng địa phương là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai.
Là một trong những trường tiểu học triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2017-2025, cô giáo Lê Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường tiểu học Châu Sơn, Ba Vì, Hà Nội đánh giá cao hiệu quả tích cực mà Đề án đã mang lại trong thời gian vừa qua. Việc áp dụng các mô hình, phương pháp học tập mới, hiện đại không chỉ giúp học sinh thêm hứng thú, mà còn khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trong giảng dạy của đội ngũ giáo viên. Từ đó, môi trường sử dụng tiếng Anh trong nhà trường ngày càng trở nên thân thiện và hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, Trường tiểu học Châu Sơn được lựa chọn là một trong ba trường tiểu học thí điểm xây dựng mô hình trường học ESL tại Ba Vì trong năm học 2024-2025, do Phòng Giáo dục và Đào tạo Ba Vì phối hợp với Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai.
Mô hình ESL giúp học sinh tiếp cận tiếng Anh một cách tự nhiên và hiệu quả nhất, được học trong môi trường gần gũi, từ đó phát triển khả năng giao tiếp, tư duy bằng tiếng Anh một cách bền vững. Nhà trường cũng đã xây dựng được lớp học tiếng Anh hạnh phúc, nơi học sinh không chỉ học mà còn yêu thích tiếng Anh; giáo viên và học sinh cùng nâng cao tinh thần tự học, sáng tạo...
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, để hiện thực hóa mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cần triển khai đồng bộ bốn nhóm giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh thuận lợi trong nhà trường, khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày. Thứ hai, đổi mới phương pháp dạy và học môn tiếng Anh theo hướng chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, tăng cường khả năng ứng dụng tiếng Anh vào các tình huống thực tế, giúp học sinh thấy rõ ý nghĩa và hiệu quả của việc học ngoại ngữ. Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, đồng thời bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các môn học khác để đủ khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu của môi trường giáo dục hội nhập quốc tế. Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh. Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển, nhất là những nước đã thành công trong việc giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam xây dựng lộ trình và chương trình phù hợp, khả thi.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, “Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” là một tín hiệu tích cực, đồng thời mở ra cơ hội rất lớn đối với ngành giáo dục nói chung và đội ngũ giáo viên, học sinh môn tiếng Anh nói riêng. Đây sẽ là công cụ quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tiếng Anh giữ vai trò then chốt trong giao lưu, hợp tác toàn cầu.
Để Đề án được triển khai hiệu quả, thành công và bền vững, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh yếu tố then chốt là con người, nhất là việc đào tạo đội ngũ một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Đối với vai trò của các cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm, đây không chỉ là quá trình “làm thử” hay “làm mẫu” mà còn để phát huy, nhân rộng các mô hình hiệu quả và bài học kinh nghiệm trên cả nước. Việc thí điểm cần được thực hiện không chỉ ở những nơi có điều kiện thuận lợi mà phải chọn cả những khu vực khó khăn.