Lộ trình tinh giản biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2024 - 2026 của Hà Nội
Giai đoạn 2024-2026, Hà Nội sẽ tinh giản 5% biên chế công chức, giảm tối thiểu 2% viên chức lương từ ngân sách nhà nước mỗi năm; bố trí nguồn kinh phí nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức, người lao động...
UBND TP Hà Nội mới ban hành kế hoạch quản lý biên chế khối cơ quan nhà nước thành phố giai đoạn 2024-2026.
Mục đích được nêu rõ là: hoàn thành chỉ tiêu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2026 theo quyết định của Bộ Chính trị và Ban Tổ chức Trung ương.
Đến năm 2026, cán bộ, công chức, viên chức của khối các cơ quan nhà nước thành phố có số lượng tinh gọn, cơ cấu hợp lý, chất lượng được nâng cao.
Căn cứ Quyết định số 4127-QĐ/TU ngày 08/12/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tổng biên chế năm 2023 của khối các cơ quan Nhà nước Thành phố là 124.205 biên chế gồm: 10.545 cán bộ, công chức (7.920 hiện chế cán bộ, công chức hành chính và 2.625 biên chế công chức phường), 113.662 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Giai đoạn 2024 - 2026, khối cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội dự kiến thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình sau:
Biên chế công chức: Năm 2024 là 10.441 biên chế, thực hiện tinh giản 119 biên chế (1,5%); Năm 2025 là 10.322 biên chế, thực hiện tinh giản 119 biên chế (1,5%); Năm 2026 là 10.163 biên chế, thực hiện tinh giản 159 biên chế (2%).
Biên chế viên chức: thực hiện giảm tối thiểu 2% viên chức lương từ ngân sách nhà nước mỗi năm, cụ thể: Năm 2024 là 111.285 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện giảm 2.377 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Năm 2025 là 108.908 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện giảm 2.377 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Năm 2026 là 106.531 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, thực hiện giảm 2.377 viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Căn cứ tình hình thực tế, UBND TP báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch biên chế hằng năm cho phù hợp.
UBND TP giao Sở Nội vụ tiếp tục phối hợp UBND các quận và thị xã Sơn Tây tham mưu triển khai có hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; kịp thời kiểm tra, rà soát, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo xin ý kiến những nội dung vượt thẩm quyền.
Tiếp tục tham mưu, rà soát tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020, số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 và 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ và các kết luận của Ban thường vụ Thành ủy về rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế; phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của một số sở, ban, ngành, đơn vị thuộc thành phố.
Trên cơ sở đó, tham mưu đề xuất UBND TP điều hòa biên chế giữa các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đảm bảo dụng tiết kiệm, hiệu quả biên chế.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, UBND quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND TP quy định giá dịch vụ tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố.
Tiếp tục nghiên cứu tham mưu UBND TP ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ công lĩnh vực giáo dục và đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ làm cơ sở đặt hàng sản phẩm, dịch vụ để áp dụng chính thức trên địa bàn thành phố.
Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu việc bố trí nguồn kinh phí cho các cơ quan, đơn vị để đảm bảo hoạt động ổn định, nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động.
Triển khai tham mưu các giải pháp thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sang tự chủ tài chính giai đoạn 2024 - 2025, đảm bảo hoàn thành mục tiêu theo Kế hoạch số 189 của UBND TP…