Lộ trình và bước đi phù hợp trong tinh gọn bộ máy

Phú Thọ là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập lớn thứ 3 của cả nước với gần 30% số xã. Tổng số đơn vị hành chính sau sắp xếp, sáp nhập từ 277 xã, phường, thị trấn xuống còn 225 xã, phường, thị trấn, giảm 52 đơn vị. Sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính mới đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, việc ổn định tình hình cơ sở từng bước được nâng cao, góp phần lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Cán bộ UBND xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn ứng dụng CNTT trong nhiệm vụ chuyên môn.

Hội nghị Trung ương 6, BCH Trung ương Đảng khóa XII thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (gọi tắt là Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19). Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, 2 nghị quyết đã được tỉnh thực hiện đạt được kết quả rõ nét.

Thực hiện Nghị quyết số 828/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh. Trong đó, huyện Hạ Hòa là địa phương có số đơn vị hành chính xã giảm nhiều nhất của tỉnh khi sắp xếp giảm 13 xã. Huyện Thanh Ba và Tam Nông đứng thứ 2 giảm 8 xã. Ít nhất là thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì giảm 1 xã. Trước khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập, qua quá trình rà soát, 80 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 10 đơn vị cấp huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, có 39 xã dưới 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã cũng gặp nhiều khó khăn, bởi liên quan đến nhiều lĩnh vực, chưa có tiền lệ thực hiện. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, công tác quy hoạch, xây dựng nông thôn mới phải được điều chỉnh ở đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi thành lập. Nhiều loại giấy tờ của tổ chức, công dân phải được thay đổi để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, học tập và các quan hệ xã hội của người dân. Ngoài ra, việc bố trí sắp xếp hợp lý công chức chuyên môn ở đơn vị hành chính sau khi sáp nhập, thực hiện tinh giản biên chế cán bộ, công chức cấp xã theo quy định gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân nhận thức sâu sắc việc sắp xếp các đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước. Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã đã được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, chú trọng đến các yếu tố phù hợp về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán cộng đồng dân cư và điều kiện địa lý - tự nhiên. Đến nay, các xã mới có thêm điều kiện để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế, hình thành nguồn quỹ đất dồi dào, giúp nhân dân tích tụ ruộng đất. Hạn chế việc phân tán các nguồn lực của huyện và của tỉnh trong đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ cán bộ, công chức của các xã mới đã thay đổi tư duy, tự phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, góp phần đưa đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã toàn tỉnh năm 2021.

Trong quá trình tinh gọn bộ máy ở tỉnh Phú Thọ, các cấp ủy đảng, tổ chức đảng đã tiến hành bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý dôi dư bảo đảm khách quan, minh bạch, lựa chọn được những cán bộ quản lý có năng lực và uy tín. Ngành Nội vụ cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo sáp nhập tất cả các trung tâm y tế với bệnh viện đa khoa ở 11 huyện để thành lập trung tâm y tế huyện thực hiện hai chức năng. Việc sáp nhập 22 đơn vị y tế cấp huyện diễn ra khẩn trương trong thời gian ngắn. Để thực hiện, trước tiên, cấp ủy, chi bộ các đơn vị quán triệt việc sáp nhập trong đơn vị mình. Yêu cầu đối với vị trí giám đốc trung tâm y tế huyện là còn đủ một nhiệm kỳ công tác, có trình độ, năng lực, uy tín…

Ðối với lĩnh vực dạy nghề, tỉnh sớm triển khai sáp nhập các cơ sở giáo dục, dạy nghề có cùng chức năng, nhiệm vụ. 23 cơ sở giáo dục, dạy nghề được sáp nhập thành 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc quản lý của UBND cấp huyện. Ðể việc bố trí cán bộ quản lý bảo đảm khách quan, UBND các huyện phối hợp với ngành Nội vụ, thống nhất với các sở, ngành liên quan xem xét, bố trí từng trường hợp. Mặc dù quá trình sáp nhập liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, song không phát sinh đơn thư khiếu nại.

Từ sự ổn định nhanh chóng, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền, các đơn vị hành chính cấp xã đã có nhiều cách làm hay, tổ chức các hội nghị, các cuộc họp dân để bàn về việc thực hiện Nghị quyết, tạo sự đồng thuận trong phát triển KT-XH. Có thể thấy đội ngũ cán bộ, công chức của các xã mới đều có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt. Trong đó, ý thức trách nhiệm và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân tại bộ phận “một cửa” cấp xã đã được nâng lên rõ rệt, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đến giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính. Theo đánh giá của UBND tỉnh giai đoạn 2019-2021, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, đầy đủ các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Công tác triển khai thực hiện đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. An ninh, trật tự giữ vững ổn định trước, trong và sau quá trình triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính.

Gia Minh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202111/lo-trinh-va-buoc-di-phu-hop-trong-tinh-gon-bo-may-181250