Lỗ tỷ giá, lợi nhuận sau thuế của Sợi Thế Kỷ giảm 20% trong quý III/2022
Trong quý III/2022, Sợi Thế Kỷ ghi nhận khoản lỗ tỷ giá và biên lợi nhuận gộp đều giảm, kéo theo lợi nhuận sau thuế tại công ty này chỉ đạt 50 tỷ đồng, mới hoàn thành được 65,8% kế hoạch kinh doanh của cả năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) ghi nhận, doanh thu thuần đạt 515 tỷ đồng, tăng gần 10% so cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, do mua nguyên liệu đầu vào và thanh toán nợ ngắn hạn bằng đồng USD trong khi giá USD tăng 2% so với VND khiến cho công ty nhận khoản lỗ tỷ giá 400.000 USD, tương đương với 9,9 tỷ đồng. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp tại STK cũng giảm từ 18,8% về còn 17,6%.
Các khoản khác như lợi nhuận gộp ghi nhận đạt 90 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, chi phí tài chính tăng 497%, tương ứng tăng lên 16,01 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Ở chiều ngược lại, doanh thu tài chính giảm 80,3%, tương ứng giảm 7 tỷ đồng về 1,72 tỷ đồng và chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 9,5%, tương ứng giảm 2,17 tỷ đồng về 20,63 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của STK giảm gần 20% về còn 50 tỷ đồng trong quý III/2022.
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của Sợi Thế Kỷ giảm gần 3% về còn 197 tỷ đồng và doanh thu 1.684 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Sợi Thế Kỷ tăng 15,3% so với đầu năm lên 2.271,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 754,97 tỷ đồng, chiếm 33,2% tổng tài sản, tiền và các khoản tương đương tiền đạt 628,5 tỷ đồng, chiếm 27,7% tổng tài sản và tồn kho đạt 462,6 tỷ đồng, chiếm 20,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tại STK tăng 39,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 127,1 tỷ đồng lên 448,4 tỷ đồng và chiếm 19,7% tổng nguồn vốn.
Theo giải trình của công ty, tổng giá trị nợ vay là vay ngắn hạn và gốc của khoản vay bằng đồng USD với trị giá 18,9 triệu USD. Như vậy, với việc tỷ giá tăng, công ty có dư nợ bằng USD sẽ tiếp tục phải trích lập dự phòng giảm giá khoản nợ vay nói trên.
Mục tiêu năm 2022, Sợi Thế Kỷ đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.605 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty mới hoàn thành 65,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trước đó, tại báo cáo cập nhật về Sợi Thế Kỷ tháng 10/2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc hàng tồn kho tăng cao của các khách hàng trong chuỗi giá trị làm trầm trọng thêm tác động của nhu cầu cuối lên doanh số bán hàng may mặc. Các tác động càng rõ nét trong trường hợp của STK - một nhà sản xuất nguyên liệu thượng nguồn.
Sợi tái chế - đặc biệt là sợi tái chế cao cấp - tăng trưởng tốt hơn các mặt hàng khác khi doanh số bán hàng đi ngang và chênh lệch giá (giá bán sợi - giá hạt PET đầu vào) tăng 8% đạt mức đỉnh mới. Trong khi đó, mảng sợi nguyên sinh ghi nhận lỗ ròng do mức giảm khoảng 13% cả về sản lượng bán và chênh lệch giá.
Sản phẩm sợi của STK chủ yếu được sử dụng trong hàng dệt may cao cấp, quần áo thể thao và giày dép do các đặc tính đặc biệt. Tuy nhiên, các khách hàng gián tiếp của STK là Adidas, Nike, Puma, Reebok, Decathlon, v.v. cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình vĩ mô hiện tại.
Nhu cầu tiêu dùng suy yếu, lạm phát cao cản trở chi tiêu của người tiêu dùng, doanh số bán hàng tăng trưởng thấp đã tạo nên một lượng lớn hàng tồn kho cho các khách hàng gián tiếp của STK.
Trong khi nhu cầu chậm lại, hàng tồn kho bán lẻ vẫn tăng. Do vậy, theo VDSC, chu kỳ nhu cầu giảm và chu kỳ tồn kho sẽ làm lu mờ triển vọng đơn đặt hàng may mặc và giày dép trong năm 2023, hoặc ảnh hưởng có thể đến luôn từ nửa cuối 2022.