Loại bỏ cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ ngành, địa phương gỡ vướng cho doanh nghiệp, tạo cơ hội tiếp cận nguồn vốn và chấn chỉnh đội ngũ cán bộ để chặn tình trạng hở ra là hù dọa
Ngày 23-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN). Cùng dự có hơn 1.000 lãnh đạo, cán bộ các bộ, ngành, địa phương để lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng 700.000 DN, từ đó hoàn thiện thể chế, gỡ vướng về chính sách giúp DN phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Kiến nghị nhiều chính sách
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đóng góp vào thành quả kinh tế - xã hội năm 2019 cũng như hơn 3 thập niên đổi mới có vai trò quan trọng của cộng đồng DN và doanh nhân Việt Nam. Dù vậy, môi trường kinh doanh trong nước còn nhiều điểm nghẽn, gây trở ngại con đường phát triển của DN.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị DN nêu khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh như quy hoạch; tiếp cận đất đai, tín dụng; sử dụng lao động; thủ tục hành chính, thuế, hải quan, giấy phép, cung cấp điện nước. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị DN có tiếng nói thẳng thắn về vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng chéo, gây khó khăn cho DN.
Từ gợi mở của Thủ tướng, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ trở lại cho các DN đầu tư theo hướng sản xuất sạch, bảo vệ môi trường. Cụ thể, Chính phủ, bộ ngành và địa phương cần quy hoạch 10 khu công nghiệp dệt may trên cả nước (300-500 ha/khu), có đầu tư đủ hạ tầng về xử lý môi trường để các DN vào đầu tư sản xuất vải phục vụ chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, sớm có chính sách không thu thuế GTGT khi sử dụng nguyên liệu nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu.
"Xem xét có khả năng cho vay lưu động bằng ngoại tệ với các DN có xuất khẩu thu ngoại tệ tương ứng. Tiếp tục đơn giản hóa, giảm chi phí vận tải nội địa, chi phí kho bãi, kiểm hóa cho DN" - ông Trường kiến nghị.
Về bức tranh của DN trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cho rằng trong khoảng 5.000 DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ trên cả nước thì hầu hết vẫn là nhỏ và siêu nhỏ, tổng mức vốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực này còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 400.000 tỉ đồng. Cho rằng vẫn còn nhiều điểm nghẽn, ông Hùng kiến nghị quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng nền tảng công nghệ và công nghệ số cần có hạ tầng phù hợp và đồng nhất. Song song đó là chính sách đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.
Nhìn nhận vấn đề tiếp cận nguồn vốn là khó khăn của cộng đồng DN nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, ông Hùng đề nghị Chính phủ quan tâm đến vấn đề đa dạng hóa nguồn vốn. "Bộ, ngành cần có dòng vốn "mồi" nhằm khuyến khích những nhà đầu tư lớn quan tâm, xem xét tạo lập một số cơ chế khuyến khích song song như ưu đãi thuế, quy trình đầu tư cũng như quá trình thí điểm, thử nghiệm công nghệ" - ông Hùng gợi ý.
Không thờ ơ trước khó khăn của doanh nghiệp
Sau khi lắng nghe các ý kiến, đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về định hướng phát triển DN trong thời gian tới để xử lý những bất cập, tồn tại và đề ra giải pháp trên tinh thần không thờ ơ trước những khó khăn của DN.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành tiếp tục có chính sách cởi mở hơn, ủng hộ để DN phát triển bứt phá. Cụ thể, cởi trói cho DN tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực mà trước đây chỉ có nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô. "Không phải cái khó đẩy cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được thì nên ủng hộ" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thêm.
Bên cạnh các giải pháp như cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Thủ tướng cho rằng các bộ ngành nên ưu tiên rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường bởi đây là những vấn đề làm "mất thời gian" của DN. Thủ tướng cũng khẳng định sẽ có các cơ chế ưu đãi tài chính tốt hơn để khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường.
Lo ngại về tình trạng cơ quan quản lý nhà nước "đá qua đá lại" khiến DN mất cơ hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực "mềm" để hù dọa mỗi khi DN có sai sót hay chỉ là có ý kiến trái chiều.
"Chúng ta phải bảo đảm rằng tất cả các ý kiến của DN đều phải được lắng nghe và tôn trọng, còn việc tiếp thu hay không phải thảo luận, phân tích, phản biện để đi đến chính sách tốt nhất. Các cơ quan quản lý nhà nước phải loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh do tham nhũng hoặc trình độ yếu kém làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của DN" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Môi trường kinh doanh bất động sản chưa công bằng
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa minh bạch, công bằng và có dấu hiệu "nhóm lợi ích". Ông Châu dẫn chứng cùng mặt bằng pháp lý như nhau nhưng các dự án nhà ở tại TP HCM lại bị vướng. Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp như nhau nhưng lại có một số dự án, thậm chí là đại dự án, được phê duyệt đầu tư xây dựng rất nhanh, trong khi nhiều dự án khác lại bị "đứng hình".
Do vậy, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, đi đôi với trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan nhà nước với người dân và cộng đồng DN.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/loai-bo-can-bo-nhung-nhieu-doanh-nghiep-20191223221131237.htm