Loại bỏ nguy cơ mất an toàn

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), kể từ khi Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đến nay, đã có hơn 21 triệu tài khoản xác thực sinh trắc học.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, các ngân hàng đã đối chiếu làm sạch 20 triệu tài khoản với căn cước công dân có gắn chip trên tổng số 170 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả...

Theo Quyết định 2345, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị hơn 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học nhằm bảo vệ khách hàng trước những nguy cơ bị tấn công mạng, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ về thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, hơn 87% số người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và hơn 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 đến 2023 đạt hơn 100%/năm. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày...

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích, tiện lợi mà các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng đem lại, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít rủi ro, thách thức, nhất là liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật. Thống kê từ Cổng cảnh báo an toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2023, đã có gần 16.000 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về tình trạng lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại ước tính 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP. Trong đó, 91% cảnh báo liên quan tới giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.

Trong bối cảnh trên, các chuyên gia đánh giá cao việc ứng dụng sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền hệ thống liên ngân hàng. Ở góc độ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng, sinh trắc học sẽ là “tấm khiên” để bảo vệ tài sản chính họ. Nhờ ứng dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, giải pháp xác thực sinh trắc học có khả năng phát hiện và loại bỏ hàng triệu trường hợp giả mạo tinh vi từ mặt nạ 2D, mặt nạ silicon, video deepfake đến kỹ thuật cắt ghép, hóa trang.

Khi ứng dụng sinh trắc học, trong trường hợp kẻ gian lấy được thông tin khách hàng để lừa đảo thì không thể chuyển tiền được, bởi ngân hàng không chỉ yêu cầu về OTP mà còn bắt buộc phải xác thực khuôn mặt. Do kẻ gian không thể xác thực khuôn mặt nên không thể so sánh với khuôn mặt trên hồ sơ gốc của ngân hàng, chính vì thế không thể thực hiện được lệnh chuyển tiền. Như vậy, xác thực sinh trắc học khách hàng đang được xem là giải pháp công nghệ bảo vệ cho khách hàng tốt nhất.

Ở góc độ cơ quan quản lý, giải pháp sinh trắc học sẽ giúp cơ quan chức năng truy vết được dòng tiền, đồng thời làm sạch tài khoản, loại bỏ các tài khoản sử dụng giấy tờ giả và xóa bỏ việc mở tài khoản bằng giấy tờ thật nhưng không phải chính chủ mở.

Việc ứng dụng giải pháp sinh trắc học trong hệ thống giao dịch ngân hàng, bên cạnh việc góp phần tạo ra một môi trường tài chính minh bạch, lành mạnh còn có ý nghĩa như là hành động cụ thể của Việt Nam trong thực hiện các cam kết với quốc tế. Trong đó có cam kết về phòng chống “rửa” tiền và tài trợ khủng bố mà theo ước tính của Liên hợp quốc, số tiền được tội phạm “rửa” trên toàn cầu mỗi năm chiếm khoảng 2-5% GDP của thế giới.

Hoàng Long

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/loai-bo-nguy-co-mat-an-toan-post478193.html