Loại bỏ thực phẩm không bảo đảm

Để loại bỏ những thực phẩm không bảo đảm, Hà Nội đang thí điểm xây dựng và nhân rộng tuyến phố ATTP có kiểm soát với điều kiện: Tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ triệt để quy định ATTP và có 20 cơ sở trở lên được chính quyền treo biển tuyến phố ATTP có kiểm soát.

Năm 2017, Hà Nội bắt đầu thí điểm triển khai các tuyến phố ATTP có kiểm soát, tuy nhiên, trong năm này, mới có 1 đơn vị xây dựng thành công tại Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Năm 2018, thành phố xây dựng thêm 8 tuyến phố tại các quận, huyện; mỗi tuyến phố đều có biển báo để người dân nhận biết. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm ở các tuyến phố này phải đáp ứng các tiêu chí: Địa điểm chế biến kinh doanh phải cách xa nguồn nguyên liệu; diện tích cơ sở kinh doanh phải đủ rộng để thuận tiện cho công tác vệ sinh; đủ nguồn nước sạch cho chế biến thực phẩm; nguồn gốc thực phẩm phải bảo đảm an toàn; có sổ ghi chép đầy đủ từng ngày về nguồn cung cấp thực phẩm; thùng đựng rác phải có nắp đậy, rác trong chế biến phải được thu gom kịp thời; nhân viên phải được trang bị dụng cụ chế biến, không được dùng tay không khi chế biến thực phẩm; cơ sở cần có những bàn ăn cao trên 60cm; người chế biến phải đủ sức khỏe, có kiến thức về vệ sinh ATTP; các cơ sở phải có giấy chứng nhận vệ sinh ATTP được dán công khai.

Việc thực hiện tuyến phố ATTP có kiểm soát sẽ qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, các tuyến phố phải thuyết phục được rằng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn đã đủ điều kiện. Các chủ nhà hàng trên tuyến phố phải đồng ý cùng thực hiện đủ tiêu chí; thực hiện chỉnh trang lại cơ sở, trang bị dụng cụ bảo đảm. UBND phường tổ chức kết nối giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ với cơ sở kinh doanh đồ tươi sống. Giai đoạn 2, sau khi các cơ sở thực hiện đúng tiêu chí, UBND phường thành lập đoàn kiểm tra, giám sát để các cơ sở thực hiện nghiêm túc.

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội - cho hay, mô hình này sẽ góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh cơ sở, ý thức chấp hành các quy định về ATTP của chủ cơ sở, sự tham gia quản lý, giám sát và kiểm soát của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các cơ sở vẫn gặp phải những lỗi như: Việc công khai nguồn thực phẩm chưa rõ ràng; người chế biến lúc chia thực phẩm chín chưa đeo găng tay; vệ sinh nơi chế biến chưa tốt… Theo kế hoạch, trong năm 2019, Hà Nội tổ chức thêm 6 tuyến phố ATTP có kiểm soát, nâng tổng số tuyến phố thực hiện thí điểm là 14. Giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội sẽ triển khai trên 30 tuyến phố ATTP có kiểm soát.

Là địa bàn tập trung khá nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, lãnh đạo quận Ba Đình cho hay, để việc tổ chức tuyến phố ATTP có kiểm soát tốt hơn nữa, trong thời gian tới, công tác chuẩn bị, rà soát cần được thực hiện kỹ lưỡng, cân nhắc kỹ để chọn đúng tuyến phố phù hợp, cơ sở vật chất phải bảo đảm khang trang. Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức chuyên môn cho cán bộ cơ sở, bộ phận tham mưu. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; đẩy mạnh kiểm tra vệ sinh ATTP cả định kỳ và đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Nhận định của nhiều chuyên gia, để triển khai được các tuyến phố ATTP có kiểm soát, cần sự vào cuộc của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống có điều kiện và đặc biệt là sự chung tay của các cấp chính quyền.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/loai-bo-thuc-pham-khong-bao-dam-124139.html