Loài cá sống trong tim cá mập
Theo Science Alert, ở trong tim và nội tạng cá mập, thi thoảng, các nhà khoa học lại bắt gặp một loài ký sinh trùng hiếm gặp là cá chình mũi hếch (Simenchelys parasitica).
Năm 1997, khi tiến hành mổ bụng một con cá mập mako vây ngắn lớn (Isurus oxyrinchus), các nhà khoa học đã phát hiện 2 con cá chình làm tổ trong tim và hấp thụ máu cá mập.
Mười năm sau (2007), cá chình mũi hếch tiếp tục được tìm thấy trong tim, khoang cơ thể và cơ bắp của cá mập cát răng nhỏ (Odontaspis ferox).
Điều khiến những trường hợp này trở nên thú vị là thực tế, cá chình mũi hếch không cần thiết phải ký sinh. Chúng có thể sống thoải mái dưới nước và ăn xác động vật ở đáy biển. Tuy nhiên, cá chình mũi hếch lại thích chui qua da thịt những loài cá lớn hơn.
Các nhà khoa học không biết về việc cá chình ký sinh trong cơ thể cá mập cho đến khi họ thu thập một con cá mập mako vây ngắn đực từ đáy biển Bắc Đại Tây Dương vào tháng 6/1992 và mang về đất liền ở Montauk, New York.
Đó là con cá mập rất lớn, nặng 395 kg, bị mắc vào dây câu và đã chết khi được đưa lên tàu. Quan sát màu sắc, các nhà khoa học nhận định con cá mập đã ở dưới đáy biển một thời gian. Xác của nó được đặt trong phòng lạnh để các nhà nghiên cứu kiểm tra cẩn thận nhằm xác định nguyên nhân cái chết.
Ngày hôm sau, nhà sinh vật học Janine Caira (Đại học Connecticut) và Nancy Kohler (Trung tâm khoa học ngư nghiệp đông bắc) tiến hành mổ bụng cá mập và bất ngờ khi phát hiện 2 con cá chình mũi hếch bên trong. Chúng có chiều dài lần lượt là 21 và 24 cm.
Khi được phát hiện, 2 con cá chình đều đã chết do cá mập được mang khỏi biển và lưu trữ lạnh. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy chúng dường như sống rất khỏe mạnh trước đó và đã trú ngụ trong tim cá mập một thời gian.
"Dạ dày của cả 2 con cá chình chứa đầy máu và không có thức ăn hoặc ký sinh trùng trong ruột, chứng tỏ chúng đã ở trong cơ thể cá mập đủ lâu để kiếm ăn. Bên cạnh đó, tim của cá mập bị ký sinh đã tổn thương, trong khi tim của 6 con cá mập mako vây ngắn khác không có dấu hiệu ký sinh vẫn bình thường", nhóm nghiên cứu viết trong một bài báo xuất bản năm 1997.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể xác định được cách cá chình xâm nhập vào tim cá mập. Họ cho rằng có thể cá chình đã tìm thấy cá mập bị thương hoặc đã chết do mắc câu và tận dụng cơ hội để ký sinh.
Trước hoặc sau khi con vật chết, 2 con cá chình đã thâm nhập vào mang hoặc cổ họng. Sau đó, chúng đi qua hệ tuần hoàn của cá mập thông qua động mạch chủ hoặc động mạch đi và di chuyển tới tim. Trong quá trình này, chúng tiêu hóa máu để sinh tồn.
Năm 2007, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một con cá mập hổ cát cái (dài 3,7 mét) trôi nổi trên biển gần quần đảo Canary. Bên trong nó, một số con cá chình mũi hếch ký sinh trong tim và hệ cơ ở sống lưng.
"Con cá mập này đã trưởng thành nhưng không còn buồng trứng, có thể do bị cá chình ăn hoặc tự thoái hóa. Có thể, cá chình đã góp phần dẫn tới cái chết của cá mập bởi không có tổn thương bên ngoài hoặc bên trong nào được phát hiện", nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà sinh vật học Ian Fergusson (Anh) viết.
Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/loai-ca-song-trong-tim-ca-map-post1444354.html