Loài cây gây sẩy thai, 'giết' người chóng vánh ở Việt Nam
Trong thiên nhiên có những loài cây chỉ cần một ít nhựa cũng có thể gây mù mắt và chết người. Nhà nghiên cứu sinh vật rừng Phùng Mỹ Trung đã thống kê và cập nhật các loài cây độc này trong mục 'Hồ sơ thần chết' của mình.
Cây mù mắt (Giá) - Excoecaria agallocha
Trong các loài cây ngập mặn, có một số loài mang độc tính nguy hiểm đến con người. Excoecaria agallocha là một trong các loài cây độc. Nhựa mủ cây rất độc, gây xổ, sẩy thai, có thể làm mù mắt nên dân gian gọi là (cây mù mắt).
Vỏ cây gây nôn, xổ. Lá cây cũng có độc. Người ta thường dùng nhựa mủ làm thuốc duốc cá (đánh cá bằng độc dược) và thường dùng lá, vỏ làm thành bột thả xuống nước. Rễ cây ít độc hơn các phần của cây trên mặt đất.
Đây là loài cây gỗ cao 20m, đường kính 25cm. Cành nhánh nhiều, khúc khuỷu, vỏ màu xám tro. Thân có nhựa mủ. Lá đơn, mọc cách, thường tập trung ở đầu cành, phiến lá dày cứng hình bầu dục hoặc hình trứng bầu dục, đầu có mũi lồi ngắn, hơi lệch và tù, gốc lá tù, dài 5 - 8cm, rộng 2,5 - 4,5cm, mép hơi gợn sóng, gân bên 8 - 9 đôi, cuống lá mảnh, dài 2cm, có một tuyến nhỏ ở gốc phiến lá.
Lá kèm nhỏ. Hoa đơn tình khác gốc hay cùng gốc. Cụm hoa đực bông, dài 2 - 8cm. Hoa đực có 3 cánh đài, hình dải, 3 nhị, chỉ nhị phình ở gốc. Hoa cái, lá bắc giống hoa đực, hoa gần như không cuống, cánh đài 3, hình tam giác. Bầu hình trứng 3 ô, 3 vòi nhụy; quả nang có cuống nhỏ, có 3 cạnh, đường kính 1cm. Hạt hình cầu, đường kính 4mm, màu xám nhạt.
Cây sui – Antiaris Toxicaria
Cây Sui -
Antiaris toxicaria hay ở một số vùng đồng bào gọi là cây thuốc bắn là loài cây độc tố khủng khiếp nhất ở Việt Nam. Khi nhựa của cây ngấm vào cơ thể người và động vật máu nóng thì cái chết đến nhanh nhất.
Từ xa xưa các thợ săn dân tộc ít người ở miền núi đã dùng nhựa của loài cây này để tẩm vào mũi tên (thêm một số phụ gia nữa mà không nêu ra ở đây) để săn thú rừng và chỉ cần 1 phát trúng đích thì ngay cả một con bò rừng cũng không có cơ hội sống sót chứ không phải là con người.
Nếu bị nhựa sui bắn vào mắt sẽ viêm sưng có khi gây mù, nếu nhựa dính vào vết thương hay trên da bị trầy xước lập tức ngộ độc ngay, các triệu chứng rầm rộ và rất nhanh, các cơ giãn ra trong đó có cơ tim, nhịp tim chậm dần và ngừng tim. Người nhão, mềm, mắt nhắm nghiền và mặt xanh tái.
Cây sui thường mọc hoang nhất là vùng núi, toàn thân cây sui có nhiều nhựa màu trắng rất độc. Bà con thường dùng nhựa độc để làm đạn tẩm vào tên độc săn bắn thú rừng. Tuy nhiên chăn sui sẽ là một tấm đắp ấm áp đối với bà con dân tộc ít người trong mùa đông giá lạnh miền bắc nước ta.
Nhưng có một điều thú vị là những con thú bị chết vì tên độc này không ảnh hưởng đến sức khỏe con người ăn thịt chúng. Nhựa mủ của cây Antiaris toxicaria chứa các glucosid -antiarin, -antiarin, -antiarin, antioresin, toxicarin và chất béo. Nhựa mủ với các glucosid có tác dụng mạnh lên tim tương tự như các glucoid của Digitalis. Hạt đắng có tác dụng hạ sốt.
Nếu trong lúc đi rừng các bạn không biết cây này mà chặt làm dấu đường đi hay vô tình nghịch chơi dùng dao đẽo vỏ, bẻ cành làm chất nhựa trắng tiết ra dính vào tay chân mà vô tình đụng phải vết thương, bắn vào mắt thì có thể nhiễm độc, bị mù mắt. Khi bị nhựa cây sui bắn vào mắt hay dây vào vết thương cần nhanh chóng rửa sạch mủ, khẩn trương đưa bệnh nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt.