Loại cây mọc đầy ở vườn không mấy ai để ý nhưng lại là 'nhân sâm của người nghèo'

Loại cây được mệnh danh là 'nhân sâm của người nghèo' chính là cây đinh lăng.

Đinh lăng là một thực phẩm quen thuộc của các gia đình trong mỗi bữa ăn và là bài thuốc chữa trị nhiều chứng bệnh. Đinh lăng rất dễ trồng và được trồng nhiều trong các sân vườn, sân đình, chùa... nên không khó để tìm được loại cây này.

Cây đinh lăng có tên khoa học là Polyscias ịrmicosa (L.) Harms (Panax fruticosum L), thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Trong dân gian có nhiều loại cây có tên đinh lăng, tuy nhiên loại dùng làm thuốc là Đinh lăng lá nhỏ hay còn gọi là cây gỏi cá.

Theo nghiên cứu của chuyên gia, cây đinh lăng cùng họ với nhân sâm nên còn được mọi người gọi vui là "nhân sâm của người nghèo" vì tính phổ biến và đa dụng của nó.

BSCK2. Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 3) cho biết, đinh lăng được dùng để chữa nhiều bệnh. Cụ thể:

Chữa mệt mỏi, biếng hoạt động: Rễ đinh lăng phơi khô, thái mỏng 0,50g, thêm 100ml nước, đun sôi trong 15 phút, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ đinh lăng 30-40g, thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống nóng, liền 2-3 ngày, vú hết nhức, sữa chảy bình thường.

Chữa vết thương: Giã nát lá đinh lăng rồi đắp lên.

Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, ho, đau, tức ngực, nước tiểu vàng : Đinh lăng tươi (rễ, cành) 30 g, lá hoặc vỏ chanh 10 g, vỏ quýt 10 g, rễ, lá, cành 20g, lá tre tươi 20g, cam thảo dây hoặc cam thảo đất 30g, rau má tươi 30g, chua me đất 20g. Các vị cắt nhỏ, đổ ngập nước sắc đặc lấy 250 ml, chia uống 3 lần trong ngày.

Chữa đau tử cung: Cành và lá đinh lăng rửa sạch sao vàng, sắc uống thay chè.

Chữa mẩn ngứa do dị ứng: Lá cây đinh lăng 80 g, sao vàng, sắc uống. Dùng trong 2 – 3 tháng.

Những lưu ý, kiêng kỵ khi sử dụng đinh lăng:

Với những công dụng nổi bật như tăng lực và trị tắc tia sữa, nhiều người được truyền tai và sử dụng đinh lăng theo các phương pháp dân gian. Dù chưa thật sự hiểu rõ liệu phương pháp đó đã được kiểm chứng khoa học hay có phù hợp với tình trạng của mình hay không.

Mặc dù đây là một loại dược liệu ít độc, nhưng nếu lạm dụng quá mức nó có thể gây ngộ độc cho người sử dụng. Dễ thấy nhất là tình trạng xung huyết ở gan, tim, phổi, dạ dày, ruột, biến loạn dinh dưỡng.

Mặt khác, trong rễ cây đinh lăng lại có chứa nhiều saponin – có thể làm vỡ hồng cầu. Dùng cây đinh lăng liều cao có thể gây say thuốc, cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy.

Phương Linh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/song-khoe/loai-cay-moc-day-duong-nay-la-nhan-sam-cua-nguoi-ngheo-202407251659171617.html