Loại cây quen thuộc đem trồng lên chậu, vài nghìn chậu cũng hết sạch
Tính riêng năm ngoái, hàng nghìn chậu cây này đều được chủ nhân của nó bán hết sạch trong vòng vài tháng.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành thủy lợi, anh Vũ Thanh Toàn, trú tại xã Xuân Hòa (Vũ Thư, Thái Bình) lại có suy nghĩ khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa. Anh muốn trở về quê lập nghiệp và cải thiện đời sống của người dân quê mình.
Vốn dĩ bản thân thích trồng sen, anh thường mua các hạt giống trên mạng về trồng nhưng chưa thấy lần nào ra hoa. Thấy vậy, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu về cây sen. Cách đây 3 năm, anh bắt đầu nhập và thử nghiệm vài trăm chậu sen. Không ngờ, anh nhận được hiệu ứng tích cực, khách hàng tìm đến tận nơi mua hết sạch.
Mỗi chậu sen có giá dao động từ 250.000 - 800.000 đồng.
Mỗi năm, anh làm tăng số lượng chậu sen và đều bán hết nhanh chóng. Chỉ riêng năm ngoái, anh có vài nghìn chậu cũng không còn thừa chậu nào. Năm nay, anh phải trồng tăng số lượng lên đến 10.000 chậu sen và phải thuê đến 5 nhân công để trồng và chăm sóc chúng.
“Những chậu sen này chỉ bán cho khách nào đến tận nơi lấy hoặc vận chuyển gần. Còn khách hàng ở xa thì tôi không bán vì không có người vận chuyển và kinh phí gửi cũng khá cao. Những người ở xa muốn mua thì tôi sẽ bán củ sen và hướng dẫn họ cách trồng. Như vậy, họ có thể tự trồng được tại nhà”, anh cho hay.
Tại nhà anh có khoảng 50 loại sen các loại nhưng chỉ có khoảng 20 loại là đưa lên chậu để bán cho khách. Còn những loại kia chủ yếu mua về để sưu tầm theo sở thích là chính. Anh cho biết trên thế giới có đến 500 loài sen khác nhau và anh vẫn đang tìm hiểu và mua thêm về để sưu tầm.
Có những loại sen mini trồng trong bát vẫn nở hoa bình thường.
Tùy từng loại sen mà có giá khác nhau, mỗi chậu sẽ có giá dao động từ 250.000 – 800.000 đồng. Trong đó, sen nghìn cánh là đắt nhất, anh chủ yếu bán củ loại này với giá dao động từ 200.000 – 500.000 đồng/củ.
Không chỉ bán các chậu sen, anh còn có thu nhập từ việc bán hoa sen cắm lọ, bán chậu sen để bàn, bán trà sen, rượu sen... thậm chí cả những thực phẩm giảm cân, thanh lọc cơ thể từ sen.
Anh Toàn cho rằng cây sen có đặc điểm rất hay, đó là kể cả khi không bán được, năm sau củ lại lên cây mới và cho ra hoa bình thường, quan trọng là biết cách chăm sóc.
Theo anh, những chậu sen này chỉ cần chăm sóc từ 1-2 tháng là chúng sẽ ra hoa, có một vài giống sẽ chăm sóc lâu hơn một chút.
Năm nay, anh Toàn trồng 10.000 chậu sen để phục vụ nhu cầu thị trường.
“Nói là vậy nhưng thật sự công việc quá nhiều, tôi lại đang mở rộng thêm trồng sen làm sinh thái nên công việc quá tải liên tục. Việc chưa lúc nào hết chỉ là bản thân mệt và muốn nghỉ ngơi lúc nào thì nghỉ thôi. Nhưng đam mê mà, tôi đều vượt qua hết. Cái khó ló cái khôn, tôi làm một mình không hết thì tôi thuê người để san sẻ công việc”, anh cho hay.
Đến nay, anh thuê 5 người chuyên chăm sóc sen trong chậu và 5 người để làm sinh thái về sen. Nhắc đến sinh thái về sen, anh cho biết anh đã mở rộng ra 2ha trồng sen và súng để khách có thể đến chụp ảnh và thưởng thức các sản phẩm về sen và đồ uống tự nhiên. Mọi thứ dần đi vào ổn định và đều có thu nhập khá, anh tiếp tục xây dựng một khu vực trồng sen tại Nha Trang trong thời gian tới.
Trong tương lai, anh dự định sẽ mở rộng hơn nữa về thị trường sen, mỗi tỉnh/thành sẽ có một khu sinh thái trồng sen, nâng cao đời sống của người dân.
Ở nước ta, không ít hộ gia đình đã có thu nhập tiền tỷ nhờ trồng sen làm kinh tế. Cụ thể, anh Phạm Văn Cường, Chủ tịch Hội nông dân xã Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) bắt tay vào xin thầu lại đồng ruộng trũng để cải tạo trồng cây sen Nhật cao sản lấy hạt kết hợp nuôi cá và trồng dừa nước. Anh tự chế biến ra các sản phẩm về sen và bán, mỗi năm thu về cả tỷ đồng.
Không chỉ vậy, nhiều hộ gia đình ở nước ta cũng tận dụng các vùng ruộng trũng để trồng sen và có thu nhập khá hàng năm.