Pitohui thuộc họ chim Pacycephalidae, một loài chim nhỏ đặc hữu của Papua New Guinea, là loài chim độc đầu tiên và duy nhất được khoa học xác nhận trên thế giới.
Người Melanesia ở Papua New Guinea từ lâu đã biết tránh xa loài chim Pitohui, nhưng đối với thế giới phương Tây, khả năng sở hữu độc của loài chim này chỉ được phát hiện một cách tình cờ chỉ hơn ba thập kỷ trước.
Loài chim Pitohui có bộ lông với màu sắc sặc sỡ và là loài ăn tạp. Ở đây, người bản địa gọi chúng là loài chim “rác” vì thứ mùi hôi đặc trưng trên người.
Đây là loài chim đầu tiên được giới khoa học phát hiện là mang trong mình loại độc Batrachotoxin (khiến người gặp nạn tê liệt, chảy máu nội bộ, các cơ quan bị hủy hoại và chết dần chết mòn). Hiện nay có 6 loài chim thuộc giống Pitohui và nguy hiểm nhất là loài Hooded Pitohui.
Các nhà khoa học nghiên cứu thêm sau đó cho thấy rằng những con chim Pitohui lưu trữ chất độc cả trong da và lông, cũng như trong xương và các cơ quan nội tạng của chúng, mặc dù ở nồng độ thấp hơn đáng kể khi so với loài ếch độc.
Nguồn gốc của độc tố trong cơ thể của loài chim này đã là chủ đề gây tranh cãi lớn giữa các nhà khoa học, nhưng sự đồng thuận chung là các loài chim không tự sản xuất chất độc mà lấy nó từ chế độ ăn uống của chúng, đặc biệt là loài bọ cánh cứng Choresine cũng chứa độc tố này.
Lý do tại sao chim Pitohui lại có độc vẫn chưa được xác định. Một số nhà khoa học tin rằng đó là một biện pháp răn đe đối với những kẻ săn mồi, nhưng có rất ít bằng chứng ủng hộ lý thuyết này.