Loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới, cao bằng người, chuyên săn cá sấu
Loài chim này hung tợn như quái vật tiền sử, có khả năng nuốt chửng con mồi với chiếc mỏ khổng lồ.
Cò mỏ giày (tên khoa học Balaeniceps rex) là loài đặc hữu sống ở Đông và Trung Phi. Chúng được tìm thấy chủ yếu ở các quốc gia như Uganda, Kenya, Botswana, Tanzania, Ethiopia, Zambia và Nam Sudan.
Loài chim trông như quái vật tiền sử này có thể cao tới 1,3 m, nặng 7 kg, sải cánh hơn 2,5 m và có chiếc mỏ to kỳ lạ như hình chiếc giày. Mỏ của chúng có thể dài tới 25 cm, là loài chim có mỏ lớn thứ ba trên thế giới. Chiếc mỏ ngoại cỡ và đôi chân dài gân guốc biến nó thành hung thần đầm lầy, chuyên tấn công những con mồi mất cảnh giác và nuốt chửng toàn bộ.
Một nghiên cứu công bố năm 2015 trên tạp chí African Ornithology phát hiện cá trê là con mồi phổ biến nhất của cò mỏ giày, chiếm khoảng 71% chế độ ăn của chúng. Tuy nhiên, loài chim này cũng ăn lươn, rắn, vịt, thậm chí cả cá sấu con.
Cò mỏ giày tấn công cá sấu con khi cha mẹ của cá sấu con không ở gần. Chúng lao vào cá sấu con nhanh chóng khi có cơ hội. Với chiếc mỏ nhọn và cứng, một khi cò mỏ giày tóm được con mồi thì hiếm khi con mồi có thể thoát được.
Cò mỏ giày được coi là một thợ săn hung dữ và một kẻ săn mồi kiên nhẫn. Chúng sẽ chờ đợi con mồi của mình, đặc biệt là ở những vùng nước nông hoặc bất kỳ thảm thực vật nổi nào. Vào đúng thời điểm, nó tấn công ngay lập tức và kết liễu con mồi chỉ bằng một động tác nhanh chóng.
Mỏ là một công cụ cơ bản trong việc ăn uống của loài cò này. Nó được sử dụng để bắt và giết con mồi, cũng như cắt nhỏ con mồi để dễ dàng nuốt chửng.
Cò mỏ giày có thể sống hơn 35 năm trong tự nhiên. Loài cò này chủ yếu sống đơn độc, nhưng ghép đôi trọn đời và đẻ 3 quả trứng trong một ổ. Nhưng do sự cạnh tranh giữa các con non, chỉ có một con sống sót tới tuổi trưởng thành. Đó thường là con non nở đầu tiên và lớn hơn, có thể cạnh tranh thức ăn với em nó hoặc giết chết chúng. Con non ra đời thứ hai hoặc thứ ba về cơ bản đóng vai trò dự phòng nếu chim non đầu tiên không sống sót. Tập tính này từng được ghi hình trong chương trình Africa của nhà tự nhiên học David Attenborough, trong đó con non sinh sớm hơn cắn em nó. Khi chim mẹ quay trở lại, nó không quan tâm tới con non nhỏ yếu.
Cò con không thể tự đứng và di chuyển cho đến khi hơn hai tháng tuổi. Vì vậy nó chỉ phụ thuộc vào nguồn cung cấp thức ăn của cò mẹ. Khi chúng được ba tháng tuổi, chúng có thể tự đi kiếm ăn với sự giám sát của cha mẹ. Khi đói, cò con phát ra âm thanh giống như tiếng nấc để thông báo cho cò mẹ biết rằng chúng cần thức ăn.
Cò mỏ giày có thể bay nhưng chỉ trong một thời gian ngắn vì chúng chỉ có thể vỗ cánh 150 lần một phút (tốc độ vỗ cánh chậm nhất trong số các loài chim). Nó chỉ có thể bay tối đa 500 m.
Theo thống kê, cò mỏ giày chỉ còn khoảng 5000 con trên toàn thế giới. Mặc dù vậy, thật khó để nắm được số lượng chính xác của loài cò này vì tính chất bí ẩn và khó nắm bắt của chúng. Chúng làm tổ ở những khu vực khó tiếp cận đối với con người. Theo sách đỏ, cò mỏ giày được coi là loài dễ bị tổn thương. Số lượng của chúng đang giảm và mối đe dọa lớn nhất đối với loài cò thú vị này là con người.
Có một số câu chuyện huyền thoại và mê tín dị đoan về cò mỏ giày dẫn đến việc nó bị săn lùng. Một câu chuyện huyền thoại phổ biến là người đánh cá khi gặp cò mỏ giày sẽ bị gặp xui xẻo.
Minh Hoa (t/h)