Loại đồ uống quen thuộc là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư
Theo các chuyên gia, chất độc trong rượu làm hỏng DNA và là nguyên nhân trực tiếp gây ra một số bệnh ung thư.
Đây là kết quả từ nghiên cứu di truyền có quy mô lớn do Sở Y tế Dân số Oxford, Anh, dẫn đầu, được công bố trên tạp chí International Journal of Cancer. Nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Oxford, Đại học Bắc Kinh, Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc, thực hiện, điều tra các biến thể gene liên quan việc uống rượu ở người châu Á.
Nguyên nhân trực tiếp gây ung thư
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), rượu phân hủy thành acetaldehyde. Chất này làm hỏng DNA của cơ thể và ngăn nó sửa chữa các tổn thương. Khi DNA bị hư hỏng, một trong các tế bào có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát và tạo thành khối u ung thư.
Alen là phiên bản đột biến của cùng một gene. Những đột biến này phá vỡ hoạt động của enzyme liên quan giải độc rượu, khiến hợp chất acetaldehyde độc hại tích tụ trong máu.
Theo Fox News, các chuyên gia sử dụng mẫu DNA của hơn 150.000 người trưởng thành, phần lớn là phụ nữ, thuộc China Kadoorie Biobank. Các tình nguyện viên được theo dõi liên tục trong 11 năm và ghi chép tình trạng sức khỏe, tử vong.
Bước đột phá của nghiên cứu này là điều tra mối quan hệ giữa rượu và ung thư bằng cách tập trung vào các biến thể gene có liên quan trực tiếp tới mức độ tiêu thụ rượu thấp hơn.
Hai biến thể di truyền phổ biến được biết đến làm giảm khả năng dung nạp rượu ở mỗi người gồm aldehyde dehydrogenase 2 (ALDH2) và alcohol dehydrogenase 1B (ADH1B). Chúng giúp giảm khả năng phân hủy acetaldehyde - phân tử độc hại được tạo ra khi cơ thể chuyển hóa rượu.
Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện sự hiện diện của các biến thể di truyền này trong những chất hỗ trợ giải độc, bảo vệ gan khi uống rượu.
Theo kết quả nghiên cứu, những người có bản sao của một hoặc hai biến thể di truyền nói trên có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn 13-31%. Đặc biệt, các bệnh ung thư liên quan trực tiếp rượu như đầu, họng, thực quản, ruột, trực tràng, gan, cũng được phát hiện với tỷ lệ cao ở những người uống nhiều rượu.
Những con số này khẳng định thêm mối quan hệ nhân quả giữa thói quen uống rượu và nguy cơ bị ung thư. TS Pek Tei, trưởng nhóm nghiên cứu, khẳng định: “Những phát hiện này chỉ ra uống rượu là nguyên nhân trực tiếp gây ra một số loại ung thư. Ở những người có khả năng dung nạp rượu thấp do di truyền, không thể chuyển hóa rượu đúng cách, nguy cơ này càng cao hơn”.
1/3 nam giới trong nghiên cứu nghiện rượu
Phân tích tập trung chủ yếu vào nam giới và phát hiện 1/3 trong số họ nghiện rượu, thường xuyên sử dụng chất kích thích này. Trong thời gian theo dõi, khoảng 7,4% nam giới - tương đương 60.000 người, so với 90.000 phụ nữ - bị ung thư.
Nam giới mang một hoặc hai alen dung nạp rượu ở mức độ thấp của ADH1B có nguy cơ mắc bệnh ung thư nói chung và ung thư liên quan rượu thấp hơn 13-25%. Ngoài ra, nhóm đàn ông ít uống rượu và mang hai bản sao của alen ALDH2 có nguy cơ phát triển bất kỳ bệnh ung thư nào thấp hơn 14% và nguy cơ phát triển các bệnh ung thư liên quan rượu thấp hơn 31%.
Nhóm nam giới uống rượu thường xuyên, mặc dù mang một bản sao của alen ALDH2, vẫn có nguy cơ mắc ung thư thực quản, họng cao hơn đáng kể.
Với những người không uống rượu hoặc uống rượu không thường xuyên, nhóm tác giả không tìm ra mối liên hệ giữa việc mang bản sao của alen ALDH2 với nguy cơ mắc ung thư.
Theo Oxford Public Health, ước tính năm 2016, toàn cầu có 3 triệu người tử vong do rượu. CDC cũng khuyến cáo uống rượu làm tăng nguy cơ mắc ung thư miệng, cổ họng, thanh quản, thực quản, ruột, trực tràng, gan và ung thư vú.
Trong khi đó, nghiên cứu vào năm 2021 của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế ước tính khoảng 740.000 trường hợp phát hiện mắc ung thư vào năm 2020 có thể do uống rượu. Con số này chiếm khoảng 4% tổng số ca ung thư trên toàn thế giới.
"Tất cả đồ uống có cồn, bao gồm rượu vang đỏ - trắng, bia, đều có liên quan ung thư. Bạn càng uống nhiều, nguy cơ ung thư càng cao" - nhóm chuyên gia bình luận.
Tuy nhiên, hai biến thể di truyền được đề cập xuất hiện nhiều trong bộ gene của người châu Á. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định mối liên quan ở những quần thể châu Âu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống Độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), uống rượu mang đến rất nhiều rủi ro. Do đó, bạn nên uống ít rượu nhất có thể, cân nhắc về thời điểm uống, tránh sử dụng cồn trước khi lái xe hay làm việc để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống, thậm chí tính mạng.
Nếu buộc phải uống, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, bạn cần ăn đủ, nhất là các thực phẩm có năng lượng nhanh, chứa tinh bột như cơm, mỳ, cháo, bún, miến, phở... Nếu bị say rượu nhẹ, bạn cần uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước chứa chất khoáng như oresol, nước quả, nước rau, cũng giúp bệnh nhân bù muối. Ngoài ra, chúng ta nên ủ ấm, tránh để bệnh nhân bị lạnh, đồng thời theo dõi kỹ, đề phòng triệu chứng bất thường.