Loài động vật là 'ổ chứa' bệnh truyền nhiễm

Với khả năng miễn dịch gần như vô địch, dơi có khả năng mang virus và lây lan sang người những căn bệnh truyền nhiễm khủng khiếp như Covid-19, Ebola, SARS hay Marburg.

 Dơi có khả năng vừa làm vật chủ giúp virus bệnh truyền nhiễm tiến hóa, vừa miễn dịch với chính những virus này. Ảnh: Unsplash.

Dơi có khả năng vừa làm vật chủ giúp virus bệnh truyền nhiễm tiến hóa, vừa miễn dịch với chính những virus này. Ảnh: Unsplash.

Dơi là vật chủ trung gian, làm lây lan một số loại virus lây truyền từ động vật sang người đáng sợ. Covid-19, Ebola, SARS, Marburg, Nipah và nhiều bệnh khác được cho là có nguồn gốc từ loài động vật này.

Dơi có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, giúp chúng thích nghi tốt hơn với các virus. Nhờ đó, không những chúng không bị nhiễm bệnh mà những virus phát triển trong dơi, khi truyền sang loài khác không có hệ miễn dịch giống vậy, sẽ gây ra những hậu quả kinh hoàng.

Theo Discovery Magazine, các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra dơi mang nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người hơn bất kỳ loài động vật nào khác. Tỷ lệ tử vong ở người vì những căn bệnh truyền từ dơi cung cao hơn so với virus truyền từ các động vật khác.

Nhưng cho đến nay, các nghiên cứu vẫn chưa hiểu rõ tại sao dơi lại là nơi sinh sản của các loại virus nguy hiểm.

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học California tại Berkeley (Mỹ) đã kết luận hệ thống miễn dịch của dơi và những loại virus không ngừng sinh sản trên cơ thể nó là bởi chúng thường xuyên bay trên bầu trời.

Để có khả năng bay cao và dài như hiện tại, dơi đã tiến hóa để có tốc độ trao đổi chất nhanh hơn nhiều so với các động vật có vú nhỏ bé trên cạn. Ngoài ra, chúng có thân hình nhỏ bé và có thể sống rất lâu. Tuổi thọ của loài dơi có thể lên tới 40 năm, trong khi những động vật có vú có kích thước tương tự khác có thể chỉ sống được vài năm.

Tất cả yếu tố nói trên đã giúp dơi có sức khỏe đặc biệt để vừa làm vật chủ giúp virus bệnh truyền nhiễm tiến hóa, vừa miễn dịch với chính những virus này.

Bên cạnh đó, trong cơ thể của dơi có interferon-alpha. Đây là loại protein phổ biến trong hệ miễn dịch của động vật có vú, báo hiệu cho cơ thể sẵn sàng cho cuộc tấn công sắp xảy ra từ virus.

Phản ứng miễn dịch được kích hoạt bởi interferon này cũng tạo ra tình trạng viêm, gây ra cảm giác đau nhức thường đi kèm với bệnh tật. Cơ thể chứa quá nhiều chất này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho con người. Tuy nhiên, vì dơi có khả năng giảm thiểu tối đa thiểu tình trạng viêm nhiễm, cơ thể chúng có thể thích ứng với interferon này đến mức cực đại.

Ngoài ra, dơi có khả năng miễn dịch với rất nhiều loại virus nguy hiểm. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc những virus đó tự độn biến mất. Thay vào đó, chúng tồn tại trong cơ thể dơi và sinh sản nhanh chóng.

Khi những chủng virus này xâm nhập vào quần thể người từ dơi, chúng thường gây hại nhiều hơn so với những chủng từ các đồng vật khác.

Theo các nhà khoa học, sự bùng phát của các bệnh bắt nguồn từ dơi dường như ngày càng phổ biến hơn. Điều này là do con người xâm phạm môi trường sống của chúng, gây căng thẳng cho động vật, khiến chúng tiết ra nhiều nước bọt, nước tiểu và phân có chứa virus.

Theo đó, để hạn chế virus lây lan và giảm thiểu mối đe dọa từ virus trên cơ thể dơi đối với sức khỏe con người, các nhà nghiên cứu cho rằng cách tốt nhất vẫn là bảo tồn môi trường sống của loài vật này trong tự nhiên, tránh để chúng gây hại đến loài người.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://znews.vn/loai-dong-vat-la-o-chua-benh-truyen-nhiem-post1460247.html