Loài người 'nghiện' ăn côn trùng từ bao giờ?

Thực phẩm từ côn trùng, từ lâu đã trở nên rất phổ biến. Nhiều quan niệm về loại thực phẩm này cũng xuất hiện như đại bổ dưỡng, siêu sạch, siêu dưỡng chất, an toàn tuyệt đối, hiếm nên đắt…

Côn trùng là món ăn khá phổ biến nước ta (Trong ảnh là món tằm rang lá chanh).

Côn trùng là món ăn khá phổ biến nước ta (Trong ảnh là món tằm rang lá chanh).

Liên Hợp Quốc kêu gọi ăn côn trùng

Thói quen ăn côn trùng đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Có lẽ từ thời hồng hoang và hiện tại có khoảng 2 tỷ người trên thế giới đang ăn côn trùng. Con người ăn côn trùng phổ biến ở các nền văn hóa châu Mỹ, châu Phi và châu Á, đặc biệt Trung Quốc, Đông Nam Á, Australia và New Zealand. Có khoảng 80% các quốc gia trên thế giới sử dụng hơn 1.000 loài côn trùng làm thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có nước ăn côn trùng không phổ biến hoặc thậm chí cấm kỵ.

Tục ăn ve sầu ở Trung Quốc bắt đầu từ thời kỳ Đồ đá và tập quán này được tiếp tục cho tới đời nhà Chu (1100 – 221 năm trước Công nguyên). Ve sầu là món ăn ưa thích trong các bữa tiệc lớn thời nhà Chu. Rất có thể ve sầu là món quà cống nạp của người Baiyue, từng sinh sống ở vùng thuộc Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc và Việt Nam ngày nay.

Còn các nhà côn trùng học Hà Lan dự báo, sâu gạo hay sâu quy (Zophobas morio) có lẽ không xa sẽ soán ngôi tất cả các loại thực phẩm dinh dưỡng như thịt gà, bò, heo, sữa… để trở thành nguồn cung protein chính cho loài người trong tương lai. Việc nuôi sâu gạo chỉ chiếm 10% diện tích đất so với nuôi bò, 30% diện tích dành cho việc chăn nuôi lợn, 40% diện tích dành nuôi gà, trong khi mức cung cấp chất đạm của loài sâu này lại cao tương đương với các loại thực phẩm kể trên. Thậm chí năm 2013, Liên Hợp Quốc ra lời kêu gọi ăn côn trùng để chống lại nạn đói và hiện tượng ấm lên toàn cầu. Kêu gọi các nhà hàng, đầu bếp và các tác giả viết về ẩm thực tăng cường tuyên truyền thói quen ăn côn trùng.

Đa dạng các hình thức ăn côn trùng

Hình thức ăn côn trùng phổ biến nhất là rang, rán, nướng, xào nấu với rau, củ làm một món trong các bữa ăn. Chẳng hạn, rang mối cánh, rang nhộng tằm, rán (chiên) sâu đuông dừa hay sâu tre, xào ong non với xu hào… Hình thức chế biến côn trùng làm thức ăn tiêu khiển trên đường phố như ta ăn ngô nướng, lạc rang. Hình thức này phổ biến ở các khu du lịch Đài Loan, Campuchia, Thái Lan... như một xiên dế mèn, xiên cào cào...

Hình thức đưa côn trùng vào nấu xôi hay thêm vào các loại bánh. Chẳng hạn, ở Mexico, người ta ăn trứng của loài cà cuống (trứng của nó to bằng đạn ghém bắn chim). Người Mexico dìm những tấm vải xuống nước để cà cuống đẻ hàng triệu trứng vào đó, rồi thu trứng đem phơi khô và dùng làm bánh ngọt. Ở Jamaica, một đĩa dế là món quà đặc biệt để đãi khách. Các thổ dân châu Úc thu thập một lượng lớn sâu xám (Agrotis infusa). Họ cho vào túi, rồi nướng trên than. Sau khi nướng chín, ấu trùng có mùi vị ngậy, béo. Ở Ấn Độ, nhiều bộ tộc đã ăn kiến, châu chấu, ấu trùng và nhộng của một số cánh cứng, bướm, ruồi, ong và cánh cứng đục thân cây. Ở I-rắc, hàng năm có khoảng 35 tấn côn trùng được thu thập và bán trên thị trường để dùng làm thực phẩm.

Hình thức sử dụng côn trùng làm gia vị như ở Việt Nam dùng cà cuống. Tinh dầu cà cuống nhẹ hơn nước, cho thoảng ra một mùi đặc biệt gần giống như mùi quế. Trong cuốn “Thương nhớ mười hai”, nhà văn Vũ Bằng kể: Tục truyền rằng, Triệu Đà là người đầu tiên ở nước ta ăn cơm với con cà cuống. Thấy thơm một cách lạ lùng, ông ta gửi dâng vua Hán một mớ và gọi là quế đố nghĩa là con sâu cây quế. Vua Hán nếm thử thì nhận rằng nó giống mùi quế thực, khen ngon và phân phát cho quần thần mỗi người một con. Bất ngờ, trong đám có một ông lắm chuyện lại tâu rằng: “Đó không phải là con sâu sống trong cây quế (quế đố), mà chỉ là một con sâu sống dưới nước” (thủy đố). Vua mới phán rằng: “Thử nãi Đà chi cuống dã” (Đó là lời nói láo của Đà). Dần dần chữ Đà Cuống đọc chệch ra thành cà cuống. Nó còn có một tên nữa là long sắt nghĩa là “rận rồng”.

Ngoài hình thức ăn trực tiếp, con người còn dùng côn trùng ngâm trong rượu để uống dần hoặc khi nhân nuôi có khối lượng lớn và ổn định, người ta đã làm đồ hộp và lập ra các công ty buôn bán côn trùng, công nghiệp chế biến thực phẩm côn trùng như ở Mỹ và một số nước.

Ưu điểm của côn trùng

Côn trùng có ở khắp mọi nơi và chúng sinh sôi rất nhanh, nhưng lại có mức độ ảnh hưởng môi trường tương đối thấp. Việc nuôi và tiêu thụ các loại côn trùng ăn được mang lại nguồn lợi không nhỏ. Ngoài ra, côn trùng cung cấp hàm lượng dinh dưỡng và protein cao so với thịt và cá. Côn trùng có thể được sử dụng như một loại thực phẩm bổ sung cho trẻ em suy dinh dưỡng.

Bởi chúng có hàm lượng protein cao cũng như rất giàu các vi chất (đồng, sắt, magiê, mangan, photpho, selen và kẽm). Ngoài ra, ăn côn trùng có thể giúp não người tiến hóa. Với chế độ ăn thanh đạm như ong, kiến và sâu bọ có thể kích thích sự phát triển não bộ, đảm nhiệm các chức năng nhận thức cao hơn ở người tiền sử. Nhiều nhóm thổ dân trên thế giới thường ăn côn trùng theo mùa và thói quen này đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tiến hóa ở người.

Tuy vậy, nếu không biết cách chế biến hoặc ngâm rượu uống thì sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ như loài có nọc độc, bọ xít, ong vò vẽ… Bởi nếu không biết cách loại bỏ độc tố thì dễ rước họa vào thân, không khéo còn thiệt mạng. Khi bắt côn trùng để chế biến thành thực phẩm không được dùng các loại hóa chất độc. Dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng không phải loại côn trùng nào cũng ăn được, nên cần phải dùng những loại côn trùng theo khuyến cáo. Đặc biệt, không dùng côn trùng đã ôi, thiu vì không chỉ các chất trong cơ thể côn trùng đã biến tính, mà thường đã bị nhiễm nấm mốc rất độc hại.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/loai-nguoi-nghien-an-con-trung-tu-bao-gio-20200420101740903.html