Loại 'rác' viễn thông
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 74 triệu cuộc gọi rác phát sinh (tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó, các doanh nghiệp viễn thông đã tiến hành chặn hơn 113.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Chỉ trong 1 tháng thử nghiệm hệ thống chặn lọc cuộc gọi rác, Viettel đã phát hiện khoảng 49 triệu cuộc gọi từ hơn 26.700 số điện thoại, gây ảnh hưởng đến khoảng 18 triệu khách hàng. Đó là chưa kể hàng triệu tin nhắn rác được tự động gửi đến các thuê bao mỗi ngày.
Những con số trên cho thấy, tin nhắn rác, cuộc gọi rác được xem là một vấn nạn khiến hàng triệu người bức xúc. Tuy vậy, những động thái xử lý có phần nửa vời từ phía những người có trách nhiệm cho thấy cuộc chiến này còn kéo dài.
Đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ xử lý căn bản các loại “rác” viễn thông, Bộ TT&TT đã phối hợp với các nhà mạng và công ty viễn thông hoàn tất giải pháp công nghệ để lọc và cắt liên lạc các thuê bao phát tán cuộc gọi rác trước ngày 1/10/2020. Tuy nhiên, hằng ngày, nhiều thuê bao điện thoại vẫn liên tục bị làm phiền bởi đủ thứ nội dung, dịch vụ được giới thiệu từ cả số di động, số cố định lẫn cả cuộc gọi qua đầu số trực tuyến, gây bức xúc cho người nhận.
Tình trạng bán sim rác đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước trên thị trường, người sử dụng mua được sim kích hoạt sẵn mà không cần đăng ký khai báo thông tin thuê bao vẫn còn phổ biến. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh, an toàn trong lĩnh vực thông tin.
Dư luận băn khoăn, số lượng cuộc gọi rác, tin nhắn rác được thống kê lên đến hàng chục triệu mỗi tháng, nhưng công tác kiểm tra, xử lý vẫn rất khiêm tốn. Đơn cử, tại thành phố Hồ Chí Minh trong 7 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng chỉ lập biên bản và xử lý 2 trường hợp vi phạm, thu hồi tạm ngừng hoạt động đối với 12 tên miền, ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông với 17 thuê bao di động.
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn triệt để “rác” viễn thông cần hành lang pháp lý và chế tài mạnh, đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.
Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về “Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác” có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2020 đưa ra các chế tài cụ thể với mức phạt tối đa đối với hành vi phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác lên đến 80-100 triệu đồng. Tuy vậy, chỉ sau thời gian ngắn tạm lắng thì tin nhắn rác, cuộc gọi rác lại tiếp tục bùng phát. Nhiều ý kiến chỉ ra, việc thực thi trong thực tế không khác gì “giơ cao đánh khẽ” và vẫn chưa có một cá nhân, tập thể nào bị xử lý kịch khung chính là nguyên cơ cho hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác tiếp tục hoành hành.
Bộ TT&TT khẳng định, hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng này. Đến thời điểm này các doanh nghiệp viễn thông đã kết nối được khoảng 1,5 triệu thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và vẫn đang tiếp tục triển khai việc này như là giải pháp căn cơ nhất. Hiện, các doanh nghiệp viễn thông đang kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư qua căn cước công dân gắn chip để làm chính xác lại thông tin của chủ thuê bao điện thoại.
Rõ ràng, trách nhiệm đầu tiên vẫn là ở các doanh nghiệp viễn thông, nơi quản lý thông tin của hơn 124 triệu thuê bao di động của cả nước. Vấn nạn “rác” viễn thông tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xử lý triệt để do liên quan đến doanh thu, lợi nhuận của nhà mạng. Cùng với sự buông lỏng trong quản lý, tùy tiện trong sử dụng và mua bán thông tin khách hàng đã khiến vấn nạn này trở nên nghiêm trọng.
Thiết nghĩ, cần có quy định rõ hơn về trách nhiệm của nhà mạng và chế tài xử phạt. Đồng thời, quy định rõ quyền của người dân trong trường hợp là “nạn nhân” của sim rác, cuộc gọi rác, như khởi kiện hoặc được đền bù thiệt hại. Chỉ khi đó, những đối tượng phát tán mới không “nhờn thuốc” và nhà mạng mới quyết tâm mạnh tay xử lý vấn nạn này.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/loai-rac-vien-thong-post454116.html