Loại rau chứa vitamin tốt cho sức khỏe nhưng sơ suất khi ăn có thể nhập viện
Rau sắn trước chỉ dùng là thức ăn chăn nuôi, nhưng hiện nay khi diện tích trồng thu hẹp thì rau sắn lại là đặc sản, được nhiều người ưa thích và lùng mua với giá cao.
Nói đến rau sắn, nhiều người sẽ nghĩ đến món rau sắn muối chua ở Phú Thọ hoặc nộm rau sắn Hòa Bình hoặc Ba Vì, đây đều là món đặc sản nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, ít ai biết rằng loại rau này xưa chỉ dùng làm thức ăn chăn nuôi như nuôi tằm, nuôi cá…
Theo khảo sát, hiện rau sắn muối chua được bán với giá khá cao, xấp xỉ 100.000 đồng/kg (cả nước). Sở dĩ loại rau này có giá đắt đỏ như vậy là do chỉ có theo mùa và diện tích trồng sắn ít đi nên nguồn cung khan hiếm. Không chỉ là món ăn ngon, rau sắn còn có những lợi ích nhất định với sức khỏe nhưng nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây nguy hiểm, thậm chí phải nhập viện.
Rau sắn tuyệt đối không ăn sống, dù là lá non.
Lương y Vũ Quốc Trung (thành viên Hội Đông y Việt Nam) cho biết trong các tài liệu xưa và nghiên cứu hiện đại, rau sắn có tác dụng nhất định với sức khỏe nhưng không được khuyến cáo sử dụng nhiều. Còn trong y học, lá rau sắn được biết nhiều với công dụng chữa mụn nhọt, ít được dùng làm vị thuốc như các loại rau lá khác.
Sở dĩ loại rau này được khuyến cáo ít sử dụng là do trong lá sắn có chứa độc tố thuộc loại glucosid, khi gặp men tiêu hóa, acid hay nước sẽ thủy phân và giải phóng acid cyanhydric (HCN), một chất độc có thể gây chết người.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liều gây tử vong của chất này là 1mg/kg trọng lượng cơ thể. Liều gây ngộ độc đối với người lớn là 20mg HCN, liều gây chết là 50mg HCN (người lớn có cân nặng khoảng 50kg); với người già, trẻ em và người ốm yếu thì liều thấp hơn.
Rau sắn khi đã muối chua, ngả màu vàng cũng không ăn sống dưới mọi hình thức.
Do vậy, khi dùng rau sắn làm thực phẩm phải đặc biệt chú ý, không ăn sống, kể cả khi muối chua (dù nồng độ chất độc đã giảm). Việc ăn sống lá sắn sẽ gây ngộ độc, thậm chí ăn nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng. Khi nấu canh rau sắn hay luộc rau sắn cũng phải nấu kỹ dưới nhiệt độ đun sôi trong thời gian lâu.
Dù chứa chất độc hại, nhưng rau sắn cũng có chất dinh dưỡng nhất định, đặc biệt có lượng chất xơ rất lớn. Tuy nhiên, chất xơ trong rau sắn là chất xơ không hòa tan, vì vậy cũng không nên ăn nhiều để tránh tắc ruột, nhất là người già. “Mọi người chỉ nên ăn rau sắn dưới dạng thưởng thức, không ăn lấy no hay ăn thường xuyên như rau cải, rau muống…”, lương y Trung chia sẻ.
Rau sắn dù là món ngon, đặc sản và nhiều dinh dưỡng nhưng tuyệt đối không ăn nhiều, kể cả đã nấu chín.
Ngoài chất xơ, theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trong 100g rau sắn ăn được có 78kcal, chứa 7.0g protein và 200mg canxi, 27mg phốt pho, 295mg vitamin C. Đặc biệt, rau sắn còn chứa tới 828 µg beta-caroten, một chất tiền vitamin A rất quan trọng đối với cơ thể. Lượng beta-caroten trong lá sắn tươi nhiều hơn tất cả các loại đậu, rau họ cải và ngang bằng với cà rốt - loại củ được coi là “vua” của chất beta-caroten. Tuy nhiên, do có chứa độc tố nên người dân tuyệt đối không ăn lá sắn tươi.
Ngoài ra, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, mới sinh con, người có vấn đề về hệ tiêu hóa… cũng không nên ăn loại rau này dưới mọi hình thức. Vì ngoài chất độc, ăn rau sắn còn dễ làm mất sữa và gây nên những tác dụng phụ không mong muốn.