Loại rau dại trước cho gà ăn nay làm thành món đặc sản ở thành phố, giá nửa triệu đồng/kg
Loại rau này không chỉ dùng làm thức ăn mà còn có tác dụng làm thuốc, càng ngày càng khan hiếm nên giá cao ngất.
Rau khúc còn có tên gọi khác là thanh minh thảo, tên khoa học là Gnaphalium Uliginosum. Đây là một loại thực vật thuộc họ Cúc, thân len bao gồm hoa cúc, cỏ phấn hương, cúc tần, cúc vạn thọ và nhiều loài cây khác.
Cây khúc mọc thành từng cụm đứng với chiều cao từ 20 - 30cm. Toàn thân của cây được bao phủ lớp lông trắng như len. Lá của cây có dạng hình mũi mác với đầu hơi nhọn, mọc so le nhau. Chiều dài của lá rơi vào khoảng 4 - 6cm và rộng từ 0.5 - 0.8 cm. Mặt dưới và trên của lá đều được bao phủ bởi lớp lông len, có gân giữa nổi rất rõ. Hoa của rau khúc nở thành cụm tại ngọn thân với các cánh màu vàng nhỏ khoảng 2mm. Quả hình dạng trứng và có các hạch nhỏ. Thông thường, cây sẽ ra hoa kết quả vào khoảng tháng 3 - 5.
Rau khúc ưa thích sống trong môi trường ẩm ướt như ruộng cát, ven đường, mương, hồ nước hay các ruộng ngũ cốc,...
Rau khúc được chia làm hai loại: khúc tẻ và khúc nếp. Khúc nếp mập hơn, lá to bản và nhiều lông hơn. Hoa khúc nếp tạo thành từng chùm, không lẻ tẻ rời rạc như khúc tẻ. Thân cây khúc nếp nhỏ hơn, màu bạc hơn so với thân cây khúc tẻ xanh mướt.
Trước đây rau khúc hay được hái về làm thức ăn cho gà và gia súc. Mấy năm nay, rau khúc được ưa chuộng nên nhiều người hái về bán.
Rau khúc có thể dùng để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Khúc nếp có hương thơm và được đánh giá cao về hương vị hơn so với khúc tẻ nên thường được dùng làm bánh khúc; lá khúc tẻ dùng để luộc, xào, nấu canh, làm thuốc.
Không chỉ được dùng như nguyên liệu trong chế biến thực phẩm, rau khúc còn là một loài thảo dược quý có nhiều tác dụng trong Đông y.
Theo Đông y, rau khúc có vị ngọt, tính bình, hơi đắng nhưng không độc. Loại thảo dược này có tác dụng trừ phong hàn, hay được dùng để chữa cảm sốt, ho, viêm họng, viêm khí quản mạn tính, hen suyễn có đờm, phong thấp tê đau, huyết áp cao,...
Về mặt y học hiện đại, rau khúc có chứa flavonoid 5%, tinh dầu 0,05%, các vitamin B, C, caroten, chất diệp lục, chất nhựa, dầu béo… Tinh dầu trong rau khúc có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Một nghiên cứu trên chuột nhắt trắng cho thấy rau khúc có tác dụng giảm ho hiệu quả. Các nhà khoa học đã dùng nước sắc rau khúc khô với liều 4g/kg cho chuột nhắt trắng uống và thấy có tác dụng giảm ho.
Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho hay rau khúc có tác dụng nhuận phế, người ho có đờm dùng 15 - 20g rau khúc khô, đường phèn 15 - 20g. Trường hợp viêm phế quản do lạnh dùng rau khúc khô 15g, hoàng giới tử 15g, tiền hồ 09g, vân vụ thảo 09g, thiên trúc tử 12g, tề ni căn 30g. Sắc nước uống trong ngày, liên tục 05 ngày.
Rau khúc cũng là vị thuốc giúp hỗ trợ ổn định huyết áp đối với người huyết áp cao. Người bị tăng huyết áp dùng rau khúc với lá dâu nấu canh ăn hàng ngày sẽ ổn định được huyết áp.
Mùa rau khúc không ngắn, nhưng để tìm được rau ngon lại không phải điều dễ dàng. Nếu ở thành phố, các bà nội trợ có thể dễ dàng tìm mua rau khúc trong các hội nhóm bán đồ thôn quê trên mạng xã hội.
Hiện tại trên thị trường, rau khúc nếp có giá khoảng 60.000 VNĐ/kg, còn rau khúc tẻ có giả khoảng 40.000 VNĐ/kg. Theo nhiều người bán, rau khúc nếp làm bánh ngon và thơm hơn, nhưng hái rất lâu và khan hiếm.
Rau khúc sau khi mua về có thể được bảo quản để ăn dần bằng cách sấy khô hoặc cấp đông. Loại sấy khô cũng bán sẵn trên thị trường, với giá khoảng 50.000 VNĐ/lạng. Ngoài ra, chị em có thể dùng bột rau khúc có giá khoảng 90.000-100.000 VNĐ/túi 100g.
Minh Hoa (t/h)