Ở Việt Nam có một loài thằn lằn kỳ lạ với đặc điểm không giống bất kỳ loài thằn lằn nào khác. Đuôi của chúng dài gấp ba đến sáu lần chiều dài thân và đầu.
Đó chính là liu điu chỉ, có tên khoa học là Takydromus sexilineatus. Đây là một loài thằn lằn nhỏ thường sống trong các bãi cỏ, bụi cây.
Đuôi của liu điu chỉ rất dài và mong manh, dễ đứt. Tuy nhiên, cũng giống tắc kè: nó có thể mọc lại đuôi mới khi bị rụng.
Ở Việt Nam, liu điu chỉ phân bố từ Bắc vào Nam, từ Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Bắc, cho đến KonTum, Gia Lai, Đồng Nai.
Trên thế giới, liu điu chỉ phân bố ở khắp Đông Nam châu Á, Ấn Độ, Trung Quốc,...
Cơ thể loài bò sát này thon dài, phần bụng màu trắng, kem hoặc xanh nhạt, lưng màu nâu hoặc màu be, thường được tô điểm bằng các sọc và đốm màu nâu vàng với nhiều sắc đậm nhạt khác nhau.
Liu điu có thể sinh sản quanh năm. Chúng có thể đẻ tới 6 lần trong năm, mỗi lứa đẻ được khoảng 10 trứng.
Liu điu chỉ thường sinh sống ở các khu vực có nhiều cỏ.
Thức ăn của liu điu chỉ chủ yếu là các loại côn trùng, ruồi, dế, sâu non. Chúng hoạt động chủ yếu vào ban ngày.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, liu điu xuất hiện trong câu tục ngữ được nhiều người Việt biết đến: “Trứng rồng lại nở ra rồng / Liu điu lại nở ra dòng liu điu”.
Chúng thường bị săn bắt và nuôi để làm thức ăn cho chim cảnh. Tại các cửa hàng chim cảnh, liu điu được bán với giá khá rẻ, giá bán lẻ chỉ vài nghìn đồng một con.
Tại các quốc gia Âu Mỹ, liu điu lại được nhiều người nuôi làm sinh vật cảnh vì màu sắc đẹp và chiếc đuôi dài độc đáo. Chúng khá dễ nuôi, với thức ăn là các côn trùng nhỏ như ruồi muỗi.
Trong Sách Đỏ IUCN, liu điu là loài thuộc diện "Ít quan tâm".