Loạn dự án bất động sản ở Lâm Đồng: Trách nhiệm chính quyền
Cần làm rõ trách nhiệm chính quyền địa phương liên quan tình trạng phân lô bán nền ở TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, nếu có bao che sai phạm cần xử lý nghiêm.
Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo bằng văn bản theo các nội dung báo chí phản ánh về tình trạng phân lô bán nền diễn ra tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Phản ánh của báo chí, có tới 100 dự án đã và đang thi công các hạng mục và chào bán rầm rộ. Ở Bảo Lâm, số dự án ít hơn nhưng diện tích dự án lại lớn hơn, nhiều dự án áp sát rừng. Đáng chú ý, những dự án bất động sản trái phép đang rầm rộ thi công là những dự án có diện tích hơn 10ha, thậm chí 41ha (gấp 1,4 lần khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt), có dự án nằm ngay trong trung tâm TP Bảo Lộc. Ngoài ra, có tình trạng một số dự án bất động sản thực hiện không đúng quy hoạch, xẻ đồi chè để phân lô, bán nền tràn lan thời gian qua, vi phạm nghiêm trọng về kinh doanh bất động sản.
Trường hợp nào sẽ truy trách nhiệm hình sự?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi sử dụng đất sai mục đích, thiếu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thể dẫn đến tình trạng hủy hoại đất, tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, gây thất thu và lãng phí tài nguyên quốc gia, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Bởi vậy, cơ quan chức năng vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết.
Luật Đất đai phân chia đất đai thành nhiều nhóm đất như: nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, đất rừng... Nguyên tắc sử dụng đất được luật đất đai quy định: "Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh..."
Việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp hoặc từ loại đất rừng sang loại đất khác phải phù hợp với quy hoạch, trong kế hoạch sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đối với các hoạt động đầu tư các dự án bất động sản, phải theo quy định của luật đất đai, luật đầu tư, luật kinh doanh bất động sản, phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.
Từ đó, luật sư Cường cho rằng, trường hợp các tổ chức, cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất hoặc đầu tư kinh doanh bất động sản trái phép, không có sự cho phép, quản lý của cơ quan có thẩm quyền, hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, việc sử dụng đất trái phép còn có thể bị thu hồi.
“Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ những vi phạm về đất đai trong các dự án nêu trên. Trong trường hợp dự án không có thật, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng vẫn đưa thông tin sai sự thật để thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng thì có thể chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa đủ hồ sơ pháp lý nhưng đã tổ chức triển khai dự án cần phải đình chỉ thi công, xử phạt hành chính thậm chí có thể thu hồi dự án nếu như vi phạm ở mức độ nghiêm trọng”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Dự án khu nghỉ dưỡng Sun Valley do Khải Hưng Corp làm đơn vị phát triển và xây dựng trên quả đồi 41ha thuộc một phần TP Bảo Lộc và tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm được báo chí phản ánh, toàn bộ diện tích đất tại khu nghỉ dưỡng Sun Valley là đất ở nông thôn. Trước đó, UBND huyện Bảo Lâm đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 11 hộ gia đình, cá nhân, với diện tích khoảng 25 ha, từ năm 2000 đến nay. Sau này 11 hộ dân nói trên làm đơn gửi chính quyền với nội dung “hiến đất làm đường” đồng thời, hợp tác hoặc bán lại đất cho Khải Hưng Corp.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, nếu dự án Sun Valley vẫn thuộc đất ở nông thôn, không phải đất thương mại dịch vụ, theo quy định tại Điều 21 Nghị định 91/2019 nêu rõ, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nhưng chưa được UBND cấp tỉnh cho phép theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 194 của Luật đất đai thì hình thức và mức xử phạt như sau: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến đến 500.000.000 đồng tùy vào diện tích ha được chuyển nhượng.
“Đất ở nông thôn không phải đất thương mại dịch vụ, người dân chỉ được xây dựng nhà ở riêng lẻ chứ không phải dự án xây dựng khu biệt thự nghỉ dưỡng với nhà hàng hầm rượu vang đài phun nước, khu BBQ, Clubhouse…. Như vậy, với hành vi vi phạm trên, tùy từng diện tích được chuyển nhượng, người vi phạm có thể chịu mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến đến 500.000.000 đồng thời, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 4 điều 21 này”, luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Theo luật sư Hoàng Tùng, trường hợp nếu “Dự án khu nghỉ dưỡng Sun Valley” chỉ là “chiếc bánh vẽ”, những người “vẽ” ra “chiếc bánh” này có thể bị điều tra về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai đang được phân cấp chủ yếu cho chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện.
Theo Điều 23 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể việc phân cấp rõ ràng trách nhiệm cho từng đơn vị quản lý với nội dung như sau: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai; UBND các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này.
Do vậy, khi xảy ra các sai phạm này, những người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là UBND huyện Bảo Lâm, TP Bảo Lộc – những cơ quan quản lý trực tiếp đất đai của các địa phương này sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc xử lý các vi phạm trên.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đầu tư, quản lý xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn. Nếu phát hiện ra trường hợp bao che, dung túng cho sai phạm, cần phải xử lý nghiêm minh, trong đó có thể áp dụng các hình thức kỷ luật, các chế tài hành chính hoặc hình sự.
Ngoài ra, cần phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc công khai minh bạch thông tin về các dự án bất động sản phải thực hiện các nhiệm vụ trong công tác quản lý dự án, quản lý xây dựng, quản lý đất đai. Đối với những dự án vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh và xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai ở địa phương này đối với từng cán bộ, cá nhân có liên quan.
“Việc buông lỏng quản lý đất đai mà do tiêu cực còn thể nãy sinh các hiện tượng sân sau, lợi ích nhóm, có thể có những vi phạm pháp luật đến mức xử lý hình sự về các tội nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm... Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng đất, làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương để kiến nghị hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, lập lại trật tự, kỷ cương, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quốc gia”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Mời độc giả xem thêm video Những bất thường của một dự án thu hồi đất cho thuê: