Loạn giá máy đo nồng độ cồn trên 'chợ' online
Để tránh bị xử phạt về nồng độ cồn, không ít người 'cẩn thận' tự đo nồng độ cồn trong cơ thể bằng những chiếc máy đo được bán online, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chỉ cần lên mạng và tìm kiếm với cụm từ “máy đo nồng độ cồn”, kết quả trả về sẽ là hàng loạt các mẫu mã, kiểu dáng và giá cả khác nhau của hàng chục loại máy đo nồng độ cồn. Các sản phẩm này thậm chí có thể tìm thấy dễ dàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki với mức giá giao động từ 50.000 đồng đến vài chục triệu đồng (25-33 triệu đồng)/chiếc. Tuy nhiên, phổ biến nhất và có lẽ được tiêu thụ nhiều nhất là các sản phẩm máy đo nồng độ cồn có mức giá khoảng 2 - 3 triệu đồng/máy.
Phần lớn các loại máy này đều không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, có máy còn không có tên hãng và chỉ được giới thiệu chung chung là hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc...
Chị Nguyễn Thị Vân sinh sống tại quận Hà Đông, TP Hà Nội, cho hay chị từng thử mua một máy đo nồng độ cồn loại móc chìa khóa, với giá chỉ 85.000 đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì máy không nhãn hiệu. Sau đó chị đã đo thử khi chồng uống rượu và nhận được kết quả là 0.0.
Cũng như chị Vân, anh Nguyễn Quốc Đạt, tại quận Thanh Trì, TP Hà Nội cho biết tính chất công việc thường xuyên yêu cầu phải uống rượu, nên anh đã đặt mua hẳn máy thổi nồng độ cồn Nhật Bản với giá 799.000 đồng. Thế nhưng, máy này không cho kết quả chính xác, vì luôn báo nồng độ cồn trong người anh là 1.5mg.
Anh Đ.T.H (27 tuổi), chủ một cơ sở kinh doanh phụ kiện ô tô quận Tây Hồ, TP Hà Nội, cho biết khoảng 3 tháng nay, máy đo nồng độ cồn là sản phẩm thu hút đông đảo khách hàng tìm mua.
"Có rất nhiều loại máy như: Himed 2010, Alcohol Tester AT6000, Sentech AL8000… Mỗi máy gồm 3 bộ phận. Thân máy có vỏ bằng nhựa, cụm pin. Ống thổi, bên trong có hóa chất giúp máy phân tích xác định nồng độ cồn. Màn hình hiển thị kết quả. Tùy sản phẩm, giá từ 400.000 – 600.000 đồng/máy", anh H. cho hay.
Lý giải lý do tìm mua máy đo nồng độ cồn, có người cho hay, nếu có uống bia không độ hay nước trái cây lên men, nhỡ có nồng độ cồn trong hơi thở thì phải có để “biết trước” trước khi lái xe.
Một lý do khác được nhiều người chia sẻ, đó là không biết sau khi sử dụng bia, rượu bao lâu thì mới hết nồng độ cồn trong hơi thở. Họ quyết định mua máy đo nồng độ cồn để luôn mang theo bên người, dễ dàng kiểm chứng.
Cẩn trọng máy không đạt chuẩn, kém chính xác
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương - cho hay, gần đây, lực lượng Công an đã triển khai đợt cao điểm về đo nồng độ cồn. Đón lõng nhu cầu, ngay lập tức trên thị trường và mạng xã hội đã xuất hiện nhiều người bán máy đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, toàn bộ hàng hóa đều không có nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với Công an để kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm.
Ông Phạm Việt Công - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết, các loại máy mà cơ quan chức năng đang sử dụng phải được kiểm định từ Bộ Khoa học và Công nghệ, là phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng, được dán tem kiểm định có thời hạn. Những loại máy đo nồng độ cồn bán trôi nổi trên thị trường, trên mạng xã hội đều không có đơn vị nào chứng nhận nguồn gốc xuất xứ nên không có căn cứ để sử dụng kết quả đo của máy.
Luật sư Nguyễn Văn Hiếu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, theo Thông tư 07/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở có chu kỳ kiểm định là 12 tháng. Máy đo nồng độ cồn đạt tiêu chuẩn phải dán tem kiểm định và còn trong thời hạn giá trị ghi trên tem.
Ngoài ra, các thiết bị đo nồng độ cồn trong hơi thở phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 107:2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.
Phần lớn các máy đo nồng độ cồn được bày bán trên mạng thường không có tem kiểm định, do đó không thể chắc chắn các máy này có đạt tiêu chuẩn và chính xác hay không. Người tiêu dùng nên chủ động trong việc không uống rượu bia, các chất có cồn trước khi tham gia giao thông, hơn là tìm mua máy đo để “đề phòng”.