Loạn sàn giao dịch bất động sản
Sự ra đời của sàn giao dịch bất động sản (BĐS) được kỳ vọng là cầu nối giữa người mua và người bán. Nhưng sau nhiều năm triển khai, nhiều sàn giao dịch BĐS đang trở thành ý muốn của chủ đầu tư chứ không phải do nhu cầu thực tế, dẫn đến thiếu tính khách quan và chuyên nghiệp.
Mới đây, thông tin về ba sàn giao dịch BĐS bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) “sờ gáy” vì bị tố cáo có dấu hiệu lừa đảo gồm công ty Cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát, công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát và công ty Cổ phần Đầu tư Đại Phúc đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng làm ăn “chụp giật” của các sàn giao dịch BĐS, qua đó cho thấy cần có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn nữa.
Thiếu cơ sở pháp lý
Thực tế cho thấy, việc chọn không đúng một sàn giao dịch BĐS phù hợp có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giao dịch BĐS, nhất là trong tình hình có sự tham gia ngày một nhiều hơn của các sàn giao dịch vào thị trường BĐS.
Trong khi đó, theo nhiều khách hàng, thị trường BĐS không minh bạch, thông tin dự án lòng vòng tạo kẽ hở cho các nhà môi giới, chủ đầu tư đua nhau bắt chẹt khách hàng. Thủ tục đất đai “một cửa” nhưng “nhiều ngách” càng khiến thị trường thêm tiêu cực.
Nguồn gốc các loại đất, các dự án thiếu rõ ràng cũng là những trở ngại khiến nhiều giao dịch BĐS trở nên khó giải quyết khi có tranh chấp. Đây chính là những vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh BĐS.
Ngoài ra, tình trạng người mua hiện vẫn đang bị động trong việc nắm bắt thông tin dự án và hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật dẫn đến những kiểu mua bán theo trào lưu; tình trạng tồn tại tin đồn khiến cho phần lớn trường hợp khách hàng là người chịu thiệt nhất khi “vấp” phải các dự án không khả thi.
Bên cạnh đó, khi thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại, các nhà đầu tư và các sàn giao dịch BĐS đua nhau quảng cáo, bất chấp đúng sai, càng khiến cho thông tin thêm nhiễu loạn, thị trường trở nên méo mó, còn người mua rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” khi tin vào nội dung của các quảng cáo về BĐS mà chưa tìm hiểu kỹ Tình trạng này thường xuyên xảy ra là vì chủ đầu tư hiểu rằng nếu họ không đầu tư vào quảng cáo, thông tin sẽ không đến được với khách hàng và dự án sẽ trở nên “chật vật” ở đầu ra.
Do đó, không chỉ chủ đầu tư sốt ruột, mà ngay cả những đơn vị phân phối cấp 1 cũng bỏ tiền ra để đẩy mạnh quảng cáo nhằm giới thiệu cho khách hàng biết tới sản phẩm mà mình đang bán.
Khách hàng gánh hậu quả
Trong sự việc mới đây, cả ba công ty gồm công ty Cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát, công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát và công ty Cổ phần Đầu tư Đại Phúc đều bị Phòng PC46 điều tra khi nhiều khách hàng đồng loạt tố cáo chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền cọc, góp vốn mua đất nền tại hai dự án ở Đồng Nai._
Cụ thể, khoảng 8 giờ ngày 3/7, gần 32 người từ Tp.HCM đã tìm đến Ban tiếp công dân UBND tỉnh Đồng Nai tố cáo ba công ty trên có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền cọc, hợp đồng mua bán đất nền tại dự án Gold Hill (huyện Trảng Bom) và khu đô thị mới Phước An (huyện Nhơn Trạch).
Họ đòi lại tiền cọc nhưng các công ty có tên nêu trên không trả. Khách hàng không đóng tiền tiếp sẽ bị mất tiền cọc.Tuy nhiên, qua xác minh của tỉnh Đồng Nai cho thấy thẩm quyền xử lý, làm rõ vụ việc thuộc Công an Tp.HCM nên đã chuyển hồ sơ vụ việc đến đơn vị này thụ lý giải quyết.
Ngoài ra, mới đây cũng xảy ra sự việc tương tự với chủ đầu tư chung cư Gia Phú do công ty Gia Phú làm chủ đầu tư, bán một căn hộ cho nhiều người. Cụ thể, chiều ngày 6/7, khoảng 30 khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư Gia Phú (số 68 đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Tp.HCM) đã kéo đến trụ sở Viện KSND Tp.HCM tiếp tục khiếu nại về quyết định hủy bỏ khởi tố vụ án có dấu hiệu lừa đảo này.
Theo nhiều người dân, vụ lừa đảo xảy ra tại chung cư Gia Phú còn có bên liên quan là đơn vị môi giới, công ty Cổ phần Đất Xanh Đông Á (trước đây là công ty liên kết của Tập đoàn Đất Xanh).
Công ty này phân phối hàng chục căn hộ tại dự án chung cư Gia Phú. Điều đáng nói là có nhiều căn hộ, công ty Gia Phú đã bán cho khách hàng và thu tiền đầy đủ nhưng sau đó lại giao cho Đất Xanh Đông Á bán tiếp.
Anh Duy (quê Bình Định) mua căn hộ trị giá 858 triệu đồng ở dự án Gia Phú từ Đất Xanh Đông Á vào tháng 6/2013. Khi đã đóng được 430 triệu đồng, anh Duy mới hay “bị dính quả lừa” vì có ba người khác cùng bỏ tiền ra mua căn hộ của anh. Nhưng khi làm việc với sàn giao dịch Đất Xanh Đông Á, đơn vị này phủi tay vì cho rằng họ cũng chỉ là nạn nhân của Gia Phú.
Trao đổi vấn đề này với các chuyên gia BĐS, nhiều chuyên gia cho rằng việc kiểm tra, giám sát các thông tin về BĐS, hay việc “siết” lại hoạt động của các sàn giao dịch BĐS cần tiến hành thường xuyên, đảm bảo “phân vai” rõ ràng giữa chủ đầu tư và sàn giao dịch. Thị trường BĐS ở nước ta khá mới mẻ, các dịch vụ hỗ trợ thị trường còn rất yếu, kể cả dịch vụ tài chính và pháp lý.
Vì vậy, chúng ta rất cần những công ty làm nhiệm vụ môi giới một cách nghiêm túc, trọn gói, từ giới thiệu địa điểm đến giá cả, cũng như cần nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để từng bước hoàn thiện cơ chế pháp lý, giúp thị trường hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, chính là cách phòng tránh rủi ro.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/loan-san-giao-dich-bat-dong-san-1027281.html