'Loạn' tên đường, tên phố

Nhiều tuyến đường của TP Hồ Chí Minh bị trùng tên, hoặc tên đường đặt sai tên nhân vật lịch sử, tên đường không có ý nghĩa... không còn là vấn đề mới, đã được người dân, dư luận bức xúc, phản ánh nhiều năm qua. Song dường như chưa thấy sự vào cuộc hiệu quả của chính quyền địa phương.

Nhiều tên đường ở TP Hồ Chí Minh bị sai tên nhân vật lịch sử. Ảnh: T.L.

Nhiều tên đường ở TP Hồ Chí Minh bị sai tên nhân vật lịch sử. Ảnh: T.L.

Tại trung tâm TPHCM, có khá nhiều tuyến đường trục chính bị trùng tên hoặc tên đường đặt sai so với tên nhân vật lịch sử.

Phiền toái vì khó tìm đúng địa chỉ

Có những tuyến đường bị trùng tên dù không kéo dài liền mạch, thậm chí khác địa phận hành chính. Điển hình, một đoạn đường tại quận 1 của TPHCM vừa mới được đặt tên Trần Khắc Chân nhưng tên này đồng thời cũng được sử dụng để đặt cho một tuyến đường khác tại quận Phú Nhuận; Hay tên đường Ký Con đồng thời có cả ở quận 1 và quận Phú Nhuận. Có những tuyến đường có từ 3-5 quận cùng sử dụng để đặt tên đường, như đường Lê Lai (các quận 1, Tân Bình, Hóc Môn, Gò Vấp); đường Cao Thắng có ở các quận 3, 10, Phú Nhuận;...

Trường hợp hi hữu có đường Chu Văn An được đặt cho 3 đường ở các quận 6, Tân Phú, TP Thủ Đức và 2 đường khác ở quận Bình Thạnh. Ông Trần Văn Phương (40 tuổi, kỹ sư xây dựng) nhớ mãi lần trải nghiệm đầu tiên khi tìm kiếm địa chỉ đường Cô Giang. “Vào thời điểm sau dịch Covid-19, gia đình tôi trở lại TPHCM để thăm người thân. Do chủ quan nên tài xế taxi chở từ sân bay thẳng đến khu vực chợ đông đúc thuộc đường Cô Giang (quận 1). Thế nhưng, khi gọi điện hỏi địa chỉ số nhà từ người quen chúng tôi mới ngớ người vì lúc này mới biết địa chỉ đúng tên đường nhưng khác quận. Địa chỉ chính xác lại nằm trên đường Cô Giang thuộc phường 2, quận Phú Nhuận. Hai tuyến đường này lại cách xa nhau 6 - 7km di chuyển nội thành khiến chúng tôi lại lóc cóc bắt taxi để tìm đến địa chỉ khác nhưng cùng tên đường. Đó là một kỷ niệm dở khóc dở cười khi đến TPHCM” – ông Phương kể.

Đường Trần Hưng Đạo ở quận 1, nhưng đồng thời được đặt trùng tên đường ở cả quận 5 và quận Tân Phú. Ảnh: Hồng Phúc.

Đường Trần Hưng Đạo ở quận 1, nhưng đồng thời được đặt trùng tên đường ở cả quận 5 và quận Tân Phú. Ảnh: Hồng Phúc.

Không chỉ có những tuyến đường lớn bị trùng tên, một kết quả tổng hợp của Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển (CEFURDS) cho biết, TPHCM có tới trên 300 đường bị trùng tên thuộc 132 tên đường được khảo sát. Tuy thế, việc hàng trăm tuyến đường bị trùng tên vẫn chưa phải là bất cập lớn nhất của công tác đặt tên đường của TPHCM.

Đáng chú ý, có không ít các tuyến đường của TPHCM đã bị đặt sai so với tên nhân vật lịch sử. Chỉ riêng trên địa bàn quận 5, qua khảo sát đã có 6 tuyến đường nằm trong danh sách 38 tên đường đặt không chính xác trên địa bàn thành phố. Để khắc phục bất cập này, khi nghiệm thu Đề án về công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TPHCM, Sở Văn hóa – Thể thao từng đề nghị UBND TPHCM xem xét đổi tên đường cho đúng tên nhân vật lịch sử. Cụ thể, đường Lương Nhữ Học tên đúng phải là Lương Như Hộc; đường Nguyễn Duy Dương sai tên nhân vật lịch sử, tên đúng phải là Võ Duy Dương. Hoặc Ký Hòa (tên đúng là Chí Hòa); Hà Tôn Quyền (tên đúng là Hà Tông Quyền); Phan Phú Tiên (tên đúng là Phan Phu Tiên); Trần Nhân Tôn (tên đúng là Trần Nhân Tông).

Không chỉ sai tên nhân vật lịch sử trong nước, đường Raymondienne tại quận 7 cũng sai tên nhân vật lịch sử người Pháp. Tên đúng là Raymonde Dien, một người Pháp có công với Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh chống Pháp tái xâm lược Việt Nam. Dù các nghiên cứu nghiêm túc từ phía các cơ quan có liên quan đã được đề xuất nhiều lần phải sửa đổi cho đúng, kể cả kiến nghị đã được nghiệm thu từ sở, ban, ngành chức năng của TPHCM, nhưng đến nay câu chuyện tên đường bị đặt sai nhân vật lịch sử vẫn là vấn đề nan giải.

Những bất cập về đặt tên đường, phố cũng dẫn đến nhiều khó khăn đối với các quận/huyện khi triển khai đánh số nhà, sắp xếp thứ tự các đường hẻm, trong đó có tình trạng tồn tại nhà siêu xuyệt/sẹc tồn tại suốt nhiều năm qua.

Ghi nhận của chúng tôi, có nhiều tuyến đường hẻm tồn tại từ 5 - 6 xuyệt/sẹc như đường Bùi Tư Toàn tại quận Bình Tân và huyện Nhà Bè, khiến nhiều người “méo mặt”.

Các tuyến đường ‘siêu xuyệt/sẹc’ ở TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Các tuyến đường ‘siêu xuyệt/sẹc’ ở TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Tên đường không có ý nghĩa lịch sử, văn hóa

TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM cho biết, dù kho dữ liệu nhân vật lịch sử, địa danh/danh lam thắng cảnh nổi tiếng… của Việt Nam là rất phong phú, đa dạng, thế nhưng một thực tế rất khó chấp nhận là nhiều quận, huyện, kể cả TP Thủ Đức tại TPHCM vẫn còn những tên đường đánh số, ký hiệu hoặc tên đường không có ý nghĩa lịch sử, văn hóa… tồn tại suốt nhiều năm. “Nhiều tuyến đường đánh số, đánh ký hiệu không có trật tự logic, lại xen cài với những tên đường địa danh hoặc đặt theo tên, đã khiến người dân rơi vào “ma trận” số nhà, tên đường gây rất nhiều phiền hà cho người dân trong nhiều năm qua. Đáng lẽ ra, việc này phải được từng quận, huyện thực hiện rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền để xem xét đặt/đổi tên đường cho đúng, thế nhưng vẫn để kéo dài năm này qua năm khác là một thực trạng đáng buồn” - bà Sâm nói.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM hồi đầu tháng 3/2024 thông tin, Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TPHCM (với sự có mặt của 15/18 thành viên) đã họp cho ý kiến về việc đặt mới một số tên đường trên địa bàn. Trong đó, có 15/15 thành viên thống nhất chọn phương án ưu tiên đổi tên nhân vật lịch sử cho một số tuyến đường đánh số. Chẳng hạn, Hội đồng ý kiến đặt tên Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Bì cho tuyến đường số 67 theo quy hoạch (đường số 15 hiện hữu thuộc các phường Tân Kiểng, Tân Quy, quận 7) và tuyến đường D4 (phường Tân Hưng, quận 7); đặt tên Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Đặng cho tuyến đường số 9 (phường Tân Phú, quận 7) và tuyến đường số 32 (phường Tân Phong, quận 7). Sau khi Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TPHCM cho ý kiến, hiện nay Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cũng thông báo rộng rãi về lấy ý kiến nhân dân đối với việc đặt mới tên đường trên địa bàn quận 7. Không chỉ riêng địa bàn quận 7, nhiều quận, huyện ở TPHCM cũng đang lấy ý kiến người dân đặt tên các đường Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Phan Văn Khải... cho các đoạn quốc lộ 1, 1K, 22, 50 qua địa phận TPHCM. Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận 8, 12, Bình Tân và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi về việc lấy ý kiến nhân dân phương án đặt tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh cho các tuyến đường trên địa bàn, nhằm tiến tới chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiện nay, các cơ quan chức năng của TPHCM vẫn thực hiện thận trọng các bước đối với công tác đặt/đổi hoặc chỉnh lý tên đường. Dư luận hy vọng tới đây sẽ không còn việc trùng lặp tên đường. Cũng có nghĩa là việc “loạn” tên đường, tên phố sẽ chấm dứt.

Gần 400 tên đường ở TPHCM cần được đổi, cập nhật

Thông tin này được nêu ra tại Hội thảo “Xây dựng WebGIS phục vụ công tác quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TPHCM” do Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển phối hợp Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý thành phố tổ chức, ngày 14/2/2023. Theo đại diện Khoa Đô thị học (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM), thành phố có khoảng 3.600 đường có tên, nhiều đường chưa có tên và nhiều đường sẽ xuất hiện do sự phát triển đô thị. Đáng chú ý có 311 đường trùng tên với 132 tên đường; 38 tên đường đặt không chính xác tên nhân vật lịch sử hoặc địa danh; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa; cùng với đó là những tên đường chưa phù hợp, chưa thống nhất ý kiến...

M.Thủy

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/loan-ten-duong-ten-pho-10285788.html