Loãng xương và thoái hóa khớp - 2 thách thức lớn đối với sức khỏe người cao tuổi

'Loãng xương và thoái hóa khớp đang ngày càng trở thành gánh nặng kinh tế - xã hội rất lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội, cần có những giải pháp mới làm giảm bớt gánh nặng của cả hai bệnh này trong tương lai'.

Ý kiến được đưa ra tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 19 năm 2025 của Hội Loãng xương TPHCM diễn ra ngày 17/5.

Gánh nặng từ loãng xương và thoái hóa khớp

PGS. TS. BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cho biết, loãng xương và thoái hóa khớp là 2 bệnh lý phức tạp và thường gặp nhất của chuyên ngành thấp khớp học, có liên quan đến nhau, đến nhiều bệnh lý chuyển hóa quan trọng khác và cũng chịu tác động của nhiều bệnh lý khác nhau, luôn được Tổ chức Y tế Thế giới đặc biệt quan tâm.

Thống kê trên toàn cầu, loãng xương ảnh hưởng đến khoảng 500 triệu người, trong đó 6,4% nam giới và 21,2% phụ nữ từ 50 tuổi trở lên. Hàng năm, ở những người trên 55 tuổi, có đến 37 triệu trường hợp gãy xương do loãng xương (trung bình có khoảng 70 ca gãy xương mỗi phút). Khoảng 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới từ trên 50 tuổi sẽ bị gãy xương do loãng xương.

Còn tại Việt Nam, đến năm 2022 ước tính có khoảng 3,6 triệu người bị loãng xương, trở thành một trong những vấn đề y tế công cộng đáng chú ý. Dự báo loãng xương sẽ tăng lên hơn 4,5 triệu người vào năm 2030, trong đó trên 70% người bệnh là phụ nữ độ tuổi sau mãn kinh.

PGS. TS. BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM nêu thực trạng và gánh nặng của bệnh loãng xương và thoái hóa khớp.

PGS. TS. BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM nêu thực trạng và gánh nặng của bệnh loãng xương và thoái hóa khớp.

Nghiên cứu gần đây nhất với gần 100.000 người Việt Nam được tầm soát từ nhãn hàng Anlene của tập đoàn Fonterra (Move Check), có khoảng 50% người trên 40 tuổi có nguy cơ loãng xương, 27% trên 40 tuổi đã loãng xương. Đặc biệt tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ trên 50 tuổi lên đến 33%.

Tương tự, thoái hóa khớp cũng là bệnh lý thường gặp trong cộng đồng, đặc biệt là người cao tuổi. Thoái hóa khớp gặp ở khoảng 20% dân số gây đau đớn kéo dài, giảm chất lượng sống, mất khả năng vận động, lao động và sinh hoạt, mất đi cuộc sống độc lập của con người.

PGS. TS. BS Lê Anh Thư cho rằng, hậu quả nghiêm trọng nhất của loãng xương và thoái hóa khớp là gãy xương, mất khả năng vận động, đau đớn và mất chất lượng sống. Các nghiên cứu cho thấy, gần 25% bệnh nhân bị gãy xương vùng hông sẽ tử vong trong vòng 12 tháng, vì vậy biến cố gãy xương do loãng xương được coi là nặng nề tương đương với đột quy trong bệnh tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim trong các bệnh mạch vành. Gãy xương do loãng xương là một gánh nặng về kinh tế-xã hội cho mọi quốc gia, đặc biệt là nước ta, vì người bị gãy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác cũng như nguy cơ tái gãy xương.

"Loãng xương và thoái hóa khớp thường có xu hướng đồng mắc và đang ngày càng gia tăng ở người cao tuổi. Chính vì thế 2 căn bệnh này ngày càng trở thành gánh nặng kinh tế xã hội rất lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội, luôn cần được quan tâm hơn nữa để tìm thêm những giải pháp mới làm giảm bớt gánh nặng của cả hai bệnh này", Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM nhận định.

Hội nghị Khoa học thường niên của Loãng xương TP.HCM lần thứ 19 năm 2025 quy tụ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xương khớp.

Hội nghị Khoa học thường niên của Loãng xương TP.HCM lần thứ 19 năm 2025 quy tụ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xương khớp.

Bảo vệ sức khỏe xương là bảo vệ tương lai

Tại Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Loãng xương TP.HCM năm nay, các chủ đề thảo luận đều xoay quanh thực trạng, tác động của loãng xương và thoái hóa khớp lên sức khỏe và chất lượng sống. Từ đó đề xuất các giải pháp giải quyết để nâng cao sức khỏe và chất lượng sống, đáp ứng mục tiêu "Lão hóa khỏe mạnh" mà loài nguời đang cố gắng đạt được trong thập niên 2020 – 2030. Chương trình năm nay đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp phòng ngừa bằng dinh dưỡng hợp lý, chẩn đoán sớm, điều trị sớm và các giải pháp mới đang hứa hẹn trong tương lai cho loãng xương và thoái hóa khớp.

Khuyến nghị từ Hội Loãng xương quốc tế (IOF), xương là trung tâm của sức khỏe, sự vận động và tính độc lập của con người. Do đó, từ thời thơ ấu đến khi lớn tuổi, lối sống lành mạnh giúp đặt nền tảng cho một sức khỏe xương tốt và quá trình lão hóa khỏe mạnh. Ngoài những lợi ích khác, lối sống tốt có thể giúp phòng ngừa loãng xương, một căn bệnh khiến xương trở nên yếu và dễ gãy.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe xương khớp. Trong đó canxi, protein, vitamin D…là những vi chất không thể thiếu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kết hợp vận động hợp lý cùng với việc sử dụng sữa giàu canxi, bổ sung collagen và màng cầu chất béo sữa (MFGM) hàng ngày, giúp cải thiện chức năng vận động mang lại lợi ích rõ rệt cho sức khỏe cơ xương khớp ngay từ sau 4 tuần.

BSCKII Huỳnh Phan Phúc Linh, Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Chợ Rẫy nêu vai trò của việc bổ sung canxi và Vitamin D đối với sức khỏe xương khớp.

BSCKII Huỳnh Phan Phúc Linh, Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Chợ Rẫy nêu vai trò của việc bổ sung canxi và Vitamin D đối với sức khỏe xương khớp.

Ngoài ra, phát hiện sớm các dấu hiệu xương khớp "trục trặc" để có thể đưa ra các giải pháp phòng ngừa, điều trị sớm cũng là "cửa sổ cơ hội" cho loãng xương và thoái hóa khớp. "Hãy lắng nghe cơ thể và quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe. Mọi sự thay đổi trong cơ thể đều cần được giải thích một cách khoa học. Trước hết cần quan tâm đến dinh dưỡng để bảo vệ hệ cơ xương khớp và giảm nguy cơ mắc bệnh. Chủ động tầm soát và điều trị ngay khi có các yếu tố nguy cơ hay dấu hiệu bệnh", PGS.TS.BS Lê Anh Thư khuyến cáo.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loang-xuong-va-thoai-hoa-khop-2-thach-thuc-lon-doi-voi-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-169250519115009943.htm