Loạt cổ phiếu vượt đỉnh dù VN-Index vẫn cách xa mốc 1.500 điểm
Từ vùng đáy ngắn hạn quanh 900 điểm hồi tháng 11/2022, đến nay VN-Index đã phục hồi khoảng 35%, tuy nhiên vẫn còn cách khá xa mức đỉnh 1.500 điểm. Trong bối cảnh ấy, một số cổ phiếu đã nhanh chân 'chạy' trước thị trường.
Tại nhóm VN30, có hai mã cổ phiếu đã xác lập mức giá đỉnh mới trong 8 tháng đầu năm 2023, đó là VCB và FPT.
VCB leo lên vùng giá 93.000 đồng hồi cuối tháng 7, tăng 66% so với thời điểm tháng 11/2022. Ở mức giá này, cổ phiếu của Vietcombank lập kỷ lục trên sàn chứng khoán Việt Nam khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên có vốn hóa vượt mốc 500.000 tỷ đồng.
Sau nhịp điều chỉnh của thị trường vừa qua, VCB lui về vùng giá 89.000 đồng, vốn hóa đạt gần 498.000 tỷ đồng và vững vàng ngôi vị vốn hóa cao nhất sàn chứng khoán.
Sự bứt phá của VCB được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh vượt trội và chất lượng tài sản đầu ngành. Năm 2022, ngân hàng đạt 68.083 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 20% so với 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 37.358 tỷ đồng, tăng gần 36% và tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm thứ 5 liên tiếp, bỏ xa hai nhà băng đứng kế sau là Techcombank (25.600 tỷ đồng) và BIDV (23.058 tỷ đồng).
6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt gần 20.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận 6 tháng đầu năm cao kỷ lục mà ngân hàng ghi nhận. Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý 2/2023 đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu 0,83%, thuộc nhóm thấp trong ngành.
Với FPT, cổ phiếu này có nhịp tăng mạnh mẽ sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023. Trong đợt thị trường điều chỉnh vừa qua, mã này không những không bị ảnh hưởng mà còn “xô đổ” đỉnh cũ, xác lập vùng giá mới gần 97.000 đồng (kết phiên 31/8). Chỉ trong tháng 8, FPT tăng gần 20%, còn từ đầu năm đến nay đã tăng gần 50%. Vốn hóa của FPT trên sàn theo đó cũng tăng 38.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, hiện đạt gần 123.000 tỷ đồng.
FPT là một trong số những cổ phiếu tăng trưởng bền vững suốt nhiều năm qua với chính sách cổ tức đều đặn. Điều này xuất phát từ nền tảng kinh doanh ổn định với tăng trưởng cao được duy trì liên tục trong thời gian dài.
Năm 2023, FPT đặt mục tiêu tham vọng với kế hoạch doanh thu 52.289 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 18% so với kết quả thực hiện năm ngoái. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn công nghệ sẽ tiếp tục phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận lập được năm 2022 trước đó.
7 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu đạt 28.429 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5.069 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,4% và 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý 2 vừa qua, FPT lập kỷ lục lợi nhuận mới trong một quý khi ghi nhận lãi trước thuế 1.856 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và cao hơn 2,5% so với quý đầu năm.
Ngày 25/8 vừa qua, FPT chốt danh sách cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Thời gian thanh toán dự kiến vào 12/9.
Trước đó trong tháng 7, FPT đã chi 1.100 tỷ đồng để trả cổ tức còn lại của năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 10% bằng tiền. Doanh nghiệp còn phát hành 165,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 20:3. Vốn điều lệ sau phát hành tăng từ 11.000 tỷ đồng lên 12.700 tỷ đồng.
Phiên 31/8, một cổ phiếu cảng biển cũng âm thầm vượt đỉnh sau 1 tháng tích lũy tại vùng giá cao. Đó là DVP của CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ, tăng 4,9% lên mức giá 62.400 đồng/cp, cao nhất trong lịch sử giao dịch và tăng 63% so với tháng 11/2022.
Cảng Đình Vũ là một trong những tên tuổi trong lĩnh vực khai thác cảng biển phía Bắc, với doanh thu luôn duy trì ở ngưỡng 600 - 700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ 300 - 340 tỷ đồng và chính sách cổ tức cao (năm 2022 tỷ lệ cổ tức 60% bằng tiền mặt).
Ngoài DVP, nhóm cảng biển còn ghi nhận hai mã cổ phiếu khác cũng lập đỉnh trong thời gian qua, đó là PDN của CTCP Cảng Đồng Nai và GMD của CTCP Gemadept. PDN vươn lên mức giá sát 140.000 đồng vào cuối tháng 7 và hiện đã điều chỉnh về 118.000 đồng. Còn GMD bứt phá trong nửa cuối tháng 8, với mức tăng gần 20%, lập đỉnh phiên 31/8 ở mức giá 62.700 đồng.
Nhóm cổ phiếu đường mang về sự “ngọt ngào” cho nhà đầu tư với hai mã xác lập đỉnh lịch sử. SLS của CTCP Mía đường Sơn La tăng gấp đôi thị giá trong 8 tháng đầu năm 2023, vươn lên vùng giá cao nhất 217.000 đồng vào phiên 24/7. Với mức giá này, SLS hiện là một trong những mã đắt đỏ nhất trên sàn.
QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi cũng xác lập đỉnh mới tại vùng giá 52.000 đồng vào phiên 17/7, tăng 56% so với hồi đầu năm. Trong nửa cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8, QNS có nhịp điều chỉnh nhưng hiện đã phục hồi về 50.000 đồng.
Sau yếu tố giá đường tăng cao, cổ phiếu mía đường đang tiếp tục được kỳ vọng khi Ấn Độ dự kiến cấm xuất khẩu đường từ tháng 10. Động thái tạm dừng xuất khẩu của quốc gia này diễn ra lần đầu tiên sau 7 năm, trong bối cảnh tình trạng thiếu mưa làm giảm năng suất mía. Sự vắng mặt của Ấn Độ trên thị trường thế giới có thể sẽ làm tăng giá đường và mang lại lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.
Trong số ít các cổ phiếu “chạy” trước VN-Index còn có BMP của CTCP Nhựa Bình Minh. Cổ phiếu này lập đỉnh hơn 100.000 đồng hồi giữa tháng 7/2023 và hiện điều chỉnh về mức giá 88.000 đồng, vẫn tăng gần 60% so với hồi đầu năm.
Cổ phiếu của Nhựa Bình Minh thu hút nhà đầu tư nhờ kết quả kinh doanh vượt trội và chính sách cổ tức tốt. Năm 2022, công ty vươn lên đỉnh doanh thu và lợi nhuận với các chỉ tiêu lần lượt đạt 5.825 tỷ đồng và 694 tỷ đồng, tăng 28% và 225% so với năm 2021. Tỷ lệ cổ tức cho năm 2022 là 53% bằng tiền mặt.
6 tháng đầu năm 2023, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu 2.797 tỷ đồng, giảm 4% so với nửa đầu năm ngoái. Nhờ giá vốn giảm, doanh nghiệp đầu ngành nhựa báo lãi ròng 575 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, công ty dự kiến trả cổ tức tối thiểu là 50% lợi nhuận sau thuế năm 2023, bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.